DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Từ vụ Nữ sinh tự tử ở An Giang: Phê bình, kỷ luật học sinh, sinh viên thế nào mới đúng?

Nữ sinh tự tử do bị phê bình trước tập thể

Phê bình, kỷ luật học sinh, sinh viên

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT vừa có hiệu lực chưa lâu (từ 1/11/2020), cơ quan chức năng đã nhận được thông tin một nữ sinh cấp 3 nghi tự tử vì bị phê bình trước trường. Vụ việc vẫn đang được điều tra, trong lúc đó chúng ta hãy xem lại việc phê bình, kỷ luật học sinh – sinh viên phải thực hiện như thế nào để phù hợp với quy định của pháp luật.

1. Phê bình và các hình thức kỷ luật đối với học sinh

Hiện nay, các hình thức kỷ luật dành cho học sinh THCS , THPT  được đề cập tại Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/TT-BGDĐT, trong đó:

“2. Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

Như vậy có thể hiểu, đối với học sinh cấp 2, cấp 3 vi phạm kỷ luật, sẽ không có chuyện phê bình trước tập thể mà chỉ có thể nhắc nhở hoặc khiển trách trực tiếp, thông báo với gia đình, nặng hơn là buộc tạm dừng học.

So với quy định đã hết hiệu lực tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 12/2011/TT-BGDDT về nội dung này, giờ đây hình thức phê bình trước lớp, trước trường đã không còn được cho phép tại các trường cấp 2, cấp 3.

(Về mặt lợi, mặt hại của việc bỏ hình thức kỷ luật này, bạn đọc xem TẠI ĐÂY)

Đối với học sinh tiểu học, Khoản 3 Điều 38 Thông tư 28/2020/TT-TTBGDĐT cũng thống nhất nội dung này:

“...Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.”

Như vậy, đối với học sinh, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, nhà trường được áp dụng những hình thức kỷ luật sau:

(1) Nhắc nhở, hỗ trợ trực tiếp

(2) Khiển trách, thông báo về gia đình (không áp dụng khiển trách với học sinh tiểu học)

(3) Tạm dừng học ở trường có thời hạn (không áp dụng với học sinh tiểu học)

2. Phê bình và các hình thức kỷ luật đối với sinh viên đại học (chính quy)

Đối với sinh viên đại học hệ chính quy, tại Điều 9 Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT quy định: Tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm, sinh viên có thể được nhắc nhở, phê bình hoặc phải chịu một trong các hình thức kỷ luật:

- Khiển trách: áp dụng đối với sinh viên vi phạm lần đầu  ở mức độ nhẹ.

- Cảnh cáo: áp dụng đối với sinh viên đã bị khiển trách mà tái phạm, vi phạm nhẹ nhưng thường xuyên hoặc vi phạm tương đối nghiêm trọng lần đầu.

- Đình chỉ học tập có thời hạn: áp dụng đối với sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo vẫn vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng các hành vi sinh viên không được làm, đặc biệt là trường hợp sinh viên vi phạm pháp luật bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo.

- Buộc thôi học: áp dụng đối với sinh viên đang bị đình chỉ học tập nhưng vẫn vi phạm hoặc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng lần đầu, vi phạm pháp luật bị xử phạt tù giam.

Như vậy, không có quy định ràng buộc nhà trường không được phê bình sinh viên trước tập thể. Quy định này có phần hợp lý, bởi lẽ khi đã ở độ tuổi trường thành và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, trách nhiệm hình sự thì việc phải nhận phê bình trước tập thể cũng có thể coi là một hình thức giáo dục thích đáng.

Tuy nhiên, đây chỉ là khung quy định của pháp luật, nếu chủ trương của nhà trường là tôn trọng danh dự, nhân phẩm riêng của từng cá nhân thì vẫn có thể loại bỏ việc phê bình trước tập thể ra khỏi các hình thức kỷ luật.

  •  1565
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…