DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Từ vụ Grab và tài xế: Phải chăng nên mở rộng khái niệm "trả lương" trong lao động?

Vụ Grab và tài xế

Tài xế có phải Người lao động của Grab không?

Để quan hệ giữa Grab và tài xế được Nhà nước điều chỉnh và can thiệp, nó phải thỏa mãn các quy định của Pháp luật về Lao động. Vậy thế nào là “Người lao động”, tại sao không có căn cứ để khởi kiện Grab, xin mời tham khảo bài viết sau đây!

1. “Quan hệ lao động” dưới góc nhìn của pháp luật

Trong Bộ luật Lao động hiện hành (2012), “người lao động” được định nghĩa như sau:

“Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.”

(Khoản 1 Điều 3 BLLĐ 2012)

Trong quy định của Bộ luật lao động 2019 sắp có hiệu lực từ 1/1/2021, Nhà nước có bổ sung thêm quy định rằng: "Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động."

Một trong những yếu tố quan trọng để xuất hiện vai trò “người lao động” là một “hợp đồng lao động”

Theo đó, Điều 15 Bộ luật trên quy định:

“Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.”

Như vậy, có thể thấy những đặc điểm để một hợp đồng làm việc được coi là một hợp đồng lao động gồm:

(1) Có sự phân biệt vai trò giữa người lao động và người sử dụng lao động

(2) Có sự thỏa thuận giữa hai bên về:

+ Lương (do người sử dụng lao động trả cho người lao động)

+ Điều kiện làm việc

+ Quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên

(Phải có đủ các yếu tố trên để một hợp đồng được xem là HĐLĐ)

“Người sử dụng lao động” được định nghĩa là “doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận” tại Khoản 2 Điều 3.

2. Áp dụng vào trường hợp của tài xế Grab

Sau khi đã có những khái niệm về lao động, người sử dụng lao động và người lao động, ta cùng phân tích quan hệ giữa tài xế và Grab:

Thứ nhất, về hợp đồng:

Trong hợp đồng lao động có 3 yếu tố chính cần thỏa thuận gồm: Lương, Điều kiện làm việc và Quyền, nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên.

Có thể thấy được trong quan hệ lao động của tài xế Grab, đúng là có thỏa thuận về Điều kiện làm việc, Quyền, nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên, tuy nhiên Lương của tài xế Grab có phải do công ty Grab trả hay không?

Một điều dễ nhận thấy là Grab không quản lý lương của tài xế, họ chỉ quản lý cước chuyến xe, sau đó hành khách sẽ trả cước trực tiếp cho tài xế.

Vì 3 yếu tố trên không đáp ứng đủ, Grab cho rằng giữa họ và tài xế chỉ tồn tại Thỏa ước sử dụng chứ không phải Hợp đồng lao động.

Thứ hai, về vai trò người sử dụng lao động và người lao động:

Chính vì không tồn tại hợp đồng, họ cho rằng mình không “thuê, mướn” hay “sử dụng người lao động làm việc cho mình“. Luận điểm này gây tranh cãi vì thực tế vai trò của tài xế không khác gì vai trò của người lao động, họ chịu sự quản lý, điều hành từ Grab, sức lao động của họ cũng góp phần tạo dựng thương hiệu cho Grab.

Hơn nữa, dù không trả lương nhưng thu nhập của tài xế phần lớn cũng phụ thuộc vào Grab vì toàn bộ cước phí, thưởng, hoa hồng... là do Grab quy định!

3. Giải pháp

Như vậy, với quy định của pháp luật hiện tại và sắp tới, chúng ta có thể hiểu rằng rất khó để coi tài xế là người lao động của Grab.

Họ tuy có quan hệ làm việc và chịu sự điều hành không khác gì một người lao động, nhưng Grab lại không thuê, mướn mà chỉ cung cấp dịch vụ kết nối tài xế với khách hàng, từ đó khách hàng trả lương trực tiếp cho tài xế.

Phải chăng, để tháo gỡ vướng mắc trong tình huống này, nhà làm luật nên mở rộng yếu tố "trả lương" thành "quyết định lương, thu nhập"?

Nếu có văn bản hướng dẫn quy định "việc một bên quyết định toàn bộ cơ cấu lương, thu nhập cho bên còn lại cũng tương tự như hình thức trả lương", biết đâu chừng có nhiều tổ chức kinh doanh đang "ngầm" bóc lột người lao động sẽ phải giật mình!

  •  3512
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…