DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trường học mắc kẹt vì COVID-19, làm thế nào để thi trực tuyến hiệu quả?

Giám sát thi trực tuyến - Minh họa

Giám sát thi trực tuyến - Minh họa

Thực hiện kiểm tra như thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh? Trong trường hợp thi trực tuyến, phải tổ chức như thế nào để đảm bảo hiệu quả? - đó là những băn khoăn lớn nhất hiện nay của các trường học trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Học sinh nhanh chóng thích nghi

Đã nhiều lần được "tập dượt" bằng các bài kiểm tra 15 phút, 45 phút bằng hình thức trực tuyến, Lê Việt Hoàng - học sinh Trường THPT Bến Tre (tỉnh Vĩnh Phúc) - tỏ ra hào hứng với hình thức này. Hoàng cho rằng, thời gian đầu làm bài kiểm tra theo hình thức trực tuyến, cả lớp ai cũng "đau tim" vì áp lực thời gian, thiếu kinh nghiệm về công nghệ và chưa kịp thích nghi. Nhưng khi đã quen, em và các bạn thích hình thức này vì cảm thấy thoải mái và công bằng.

"Kiểm tra online sẽ không "caosu" được như ở trên lớp vì phải đúng thời gian, chỉ muộn vài giây cũng không nộp được bài. Hơn nữa, cô giáo cũng phân cho chúng em mỗi người 1 mã đề riêng tuỳ theo sĩ số của lớp để hạn chế tối đa việc chép bài của nhau" - Hoàng cho biết.

Theo chia sẻ của Hoàng, để làm tốt bài thi bằng hình thức trực tuyến, học sinh phải phân chia thời gian mỗi bài, mỗi câu hợp lý. Phạm vi kiến thức đều đã được trang bị trên lớp cũng như học trực tuyến, nên chỉ cần ôn tập là có thể làm bài tốt.

Đã nhiều lần thực hiện bài kiểm tra 15 phút bằng hình thức trực tuyến, Nguyễn Khánh Linh - học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (TP.Hà Nội) - cho rằng, để làm bài tốt, học sinh phải đầu tư khá nhiều. Cụ thể là máy tính, điện thoại hay thiết bị di động có cấu hình cao, mạng phải siêu "khỏe", hoặc bỏ tiền đầu tư 4G, 5G thì mới có thể làm bài trơn tru.

Về kỹ năng, phải có kỹ năng máy tính tốt, tự giải quyết được vấn đề có thể xảy ra trong quá trình làm bài. Theo đó, trong quá trình làm bài kiểm tra phải cẩn thận, phải chụp màn hình bài thi để làm bằng chứng, đề phòng làm xong rồi mà máy tính bị thoát ra ngoài, hay đến giờ thi không vào được kênh thi do quá tải người truy cập.

"Có một số lần chúng em kiểm tra, vào được rồi nhưng máy chưa chạy xong, vẫn quay đều quay đều, tức là bọn em chưa thể làm bài, trong khi đồng hồ bấm giờ thì vẫn chạy. Vì vậy, phải chụp bằng chứng gửi cô giáo để cô có phương án khác" - Khánh Linh chia sẻ.

Kinh nghiệm thi trực tuyến hiệu quả

Là trường phổ thông đầu tiên của Hà Nội thử nghiệm việc kiểm tra đánh giá cuối học kỳ theo hình thức trực tuyến, TS Lại Thị Phương Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, việc kiểm tra theo hình thức trực tuyến khác việc tổ chức kiểm tra trên lớp.

Về đề thi, nhà trường, thầy cô cần chuẩn bị ngân hàng đề thi đầy đủ để mỗi học sinh có một mã đề thi khác nhau, đảm bảo thí sinh không thể trao đổi bài, đáp án.

Về phần mềm thi, thầy cô phải dành thời gian để kiểm tra hệ thống máy chủ, test lại hệ thống giám sát, các phần mềm truy vết, kiểm tra trong quá trình học sinh làm bài thi trên máy tính.

Về coi thi, nhà trường phân công cán bộ coi thi, đưa cán bộ coi thi vào các lớp học ảo rồi hoàn thiện lịch trình coi thi của các môn thi. Đồng thời, nhà trường phải ban hành quy chế tổ chức kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Quy chế này được phổ biến đến toàn thể học sinh, giáo viên, phụ huynh trong trường.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Cảnh Toàn - giáo viên Trường THCS thị trấn Hoa Sơn (Vĩnh Phúc) - nói rằng, việc kiểm tra, thi trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Điển hình như việc giáo viên không thể kiểm soát hết tất cả học sinh hay đường truyền mạng không ổn định. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, khách quan, các trường cần soạn đề thi phù hợp, xây dựng quy chế thi cụ thể và kiểm soát chặt chẽ quá trình làm bài thi của học sinh.

Thầy Toàn cũng đề ra phương án kiểm đánh giá trong "mùa COVID-19" đối với những môn xã hội. Theo đó, giáo viên sẽ giao bài tập mang tính dự án, có tính vận dụng thực tiễn cao cho học sinh làm thay vì thi. Đó không phải là bài tập trong sách giáo khoa hay bài tập trên lớp mà là các bài tập ứng dụng từ kiến thức đã được học, như vậy mới có thể để đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Thiều Trang

Nguồn: Báo Lao động

  •  1024
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…