DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trốn cấp dưỡng cho con bị phạt như thế nào?

Hiện nay, nhiều vụ việc tranh chấp xảy ra mà người trong cuộc là người thân trong gia đình. Chẳng hạn là việc mâu thuẫn sau ly hôn, điển hình là việc cấp dưỡng cho con. Vậy vì mâu thuẫn mà không đảm bảo nghĩa vụ cấp dưỡng cho con hay trốn tránh thì sẽ bị phạt như thế nào? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

Cấp dưỡng là gì?

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Đây là định nghĩa được nêu tại khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Theo đó, cấp dưỡng chỉ xảy ra khi có các điều kiện sau đây:

- Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn;

- Người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng.

- Những người này không sống cùng nhau.

Do đó, khi ly hôn, những người sau đây sẽ xảy ra quan hệ cấp dưỡng:

- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con thành niên không có tài sản tự nuôi mình, không có khả năng lao động có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đặc biệt, dù cha, mẹ có bị hạn chế quyền với con chưa thành niên thì vẫn phải cấp dưỡng cho con (theo khoản 2 Điều 82 và khoản 3 Điều 87 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

- Vợ, chồng sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho đối phương nếu một bên khó khăn, túng quẫn, có yêu cầu cấp dưỡng và có lý do chính đáng (theo Điều 115 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Mức cấp dưỡng được quy định như thế nào?

Mức cấp dưỡng được quy định cụ thể tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, mức cấp dưỡng sẽ do các bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cấp dưỡng cũng như nhu cầu thiết yếu của người con. Tòa án chỉ giải quyết khi các bên không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được.

Đặc biệt, khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Do đó, pháp luật không có quy định giới hạn mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà hoàn toàn dựa vào thỏa thuận của các bên hoặc dựa vào thu nhập, điều kiện, nhu cầu của các bên. Hiện nay, thông thường Tòa án sẽ ấn định mức cấp dưỡng là khoảng 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng.

Về phương thức cấp dưỡng, Điều 117 Luật này quy định, việc cấp dưỡng có thể thực hiện hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên cũng có thể thỏa thuận về phương thức cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Xử phạt hành chính với hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con như thế nào?

Thậm chí, nếu trốn tránh cấp dưỡng thì có thể bị khởi kiện tại Tòa án để buộc phải thực hiện nghĩa vụ. Không chỉ vậy, trong một số trường hợp người trốn tránh cấp dưỡng còn có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định khi vi phạm về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho con như sau:

Phạt tiền từ 05-10 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

- Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 57.

Như vậy, nếu có hành vi trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn sẽ bị phạt tiền từ 05-10 đồng và buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng con theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP  quy định về thời hiệu xử phạt hành chính đối với hành vi này là 01 năm.

Trường hợp trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sẽ bị truy cứu trách nhiệm sự bao nhiêu năm tù?

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:

Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Theo đó, người nào đã bị xử phạt hành chính hoặc có nghĩa vụ và có khả năng thực tế để thực hiện cấp dưỡng nhưng trốn tránh, không thực hiện khiến người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe sẽ bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm tùy vào mức độ phạm tội của người đó.

  •  361
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…