DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài năm 2022

Các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận nước ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững, hợp tác quốc tế giữa các nước cần được hỗ trợ và cộng đồng các nước viện trợ. Đây được coi là một trong những tác nhân thúc đẩy sự phát triển bền vững, khắc phục những điểm còn hạn chế mà ở những nước đang phát triển còn thiếu, góp phần xây dựng quan hệ thương mại bình đẳng giữa các nước.
 
thu-tuc-dang-ky-to-chuc-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai
 
Hiện nay, có khá nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tư viện trợ vào Việt Nam phân bổ vào nhiều nhóm lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và một số vấn đề xã hội khác. Bên cạnh đó, nước ta cũng đặc ra một số quy định về thủ tục đăng ký hoạt động cũng như chính sách ưu đãi cho những tổ chức phi chính phủ đầu tư vào Việt Nam. Vậy, tổ chức phi chính phủ nước ngoài là gì? Thủ tục cấp Giấy đăng ký hoạt động tại Việt Nam của tổ chức này được thực hiện ra sao?
 
Tổ chức phi chính phủ nước ngoài là gì?
 
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 58/2022/NĐ-CP giải thích tổ chức phi chính phủ nước ngoài là tổ chức phi lợi nhuận, quỹ xã hội, quỹ tư nhân và được thành lập theo pháp luật nước ngoài. Ngoài ra, tổ chức này phải có nguồn vốn hợp pháp từ nước ngoài; hoạt động hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam không vì mục đích lợi nhuận và các mục đích khác.
 
Lưu ý: Các tổ chức này không quyên góp tài chính, vận động tài trợ, gây quỹ từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Nhằm đảm bảo các nguyên tắc minh bạch về tài chính và nguồn vốn phải thuộc 100% từ các tổ chức này.
 
Điều kiện đăng ký hoạt động
 
Trước khi tiến hành thủ tục đăng ký hoạt động tại Việt Nam, tổ chức phi chính phủ nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện sau thì được cấp Giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 10 Nghị định 58/2022/NĐ-CP bao gồm các điều kiện sau:
 
Thứ nhất, tổ chức này có tư cách pháp nhân hợp lệ theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thành lập trước khi đăng ký vào Việt Nam.
 
Thứ hai, điều lệ, tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức phải rõ ràng, phù hợp với lợi ích và nhu cầu của Việt Nam.
 
Thứ ba, đáp ứng được các như cầu về kế hoạch có đề xuất cụ thể về dự kiến chương trình, dự án, phi dự án để hỗ trợ phát triển, viện trợ nhân đạo tại Việt Nam ít nhất trong 03 năm.
 
Cuối cùng là có đề xuất Người đại diện tại Việt Nam.
 
Khi đáp ứng đủ 4 nguyên tắc trên thì tổ chức phi chính phủ nước ngoài được xem xét và tiến hành thủ tục cấp giấy đăng ký hoạt động tại Việt Nam theo quy định.
 
Thủ tục cấp Giấy đăng ký hoạt động
 
Không giống như việc đăng ký hoạt động đầu tư có vốn điều lệ nước ngoài, đối với tổ chức phi chính phủ sẽ thực hiện thủ tục cấp Giấy đăng ký hoạt động theo một trình tự riêng được quy định cụ thể tại Điều 11 Nghị định 58/2022/NĐ-CP như sau:
 
(1) Nộp trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến đến Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động gồm các văn bản sau:
 
- 01 đơn đề nghị cấp Giấy đăng ký hoạt động theo Mẫu số 03a quy định tại Phụ lục.
 
- 01 bản sao Điều lệ và 01 bản sao Giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
 
- 01 bản thống kê chi tiết các chương trình, dự án, phi dự án dự kiến sẽ triển khai tại Việt Nam trong 03 năm.
 
- 01 hồ sơ đề nghị chấp thuận Người đại diện gồm các văn bản sau:
 
01 Quyết định bổ nhiệm do người đứng đầu của tổ chức ký tên, đóng dấu.
 
01 bản tiểu sử của người được đề nghị chấp thuận làm Người đại diện.
 
01 bản lý lịch tư pháp của người được đề nghị chấp thuận làm Người đại diện do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc nước mà người đó đã thường trú trong vòng 06 tháng gần nhất cấp.
 
01 bản sao hộ chiếu còn hiệu lực nếu người được đề nghị chấp thuận làm Người đại diện là người nước ngoài. 01 bản sao hộ chiếu, giấy CMND hoặc CCCD còn hiệu lực nếu người được bổ nhiệm là người Việt Nam.
 
Các văn bản bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ nêu trên phải được hợp pháp hóa lãnh sự, kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại.
 
(2) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Ủy ban công tác kiểm tra thành phần hồ sơ đề nghị của tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 58/2022/NĐ-CP và yêu cầu tổ chức phi chính phủ nước ngoài bổ sung hồ sơ nếu cần thiết.
 
(3) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, Ủy ban công tác gửi văn bản lấy ý kiến các bộ trực thuộc và cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực mà tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký triển khai hoạt động.
 
(4) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.
 
(5) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ ý kiến của các cơ quan, Ủy ban công tác chuyển hồ sơ và ý kiến của các cơ quan liên quan cho Bộ Ngoại giao để thẩm định.
 
(6) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Ngoại giao thẩm định hồ sơ, quyết định cấp hoặc không cấp Giấy đăng ký hoạt động và thông báo kết quả tới Ủy ban công tác. 
 
Giấy đăng ký hoạt động được cấp theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58/2022/NĐ-CP. Việc thẩm định được thực hiện bằng hình thức tổng hợp ý kiến bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị thẩm định về các nội dung sau:
 
- Tính hợp pháp và đầy đủ của hồ sơ.
 
- Tính phù hợp của mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam và mục tiêu phát triển cụ thể của bộ, ngành, địa phương.
 
- Tư cách pháp nhân và quá trình hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
 
- Nhân thân, lý lịch của Người đại diện.
 
- Hiệu quả, tác động về kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự xã hội của các hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
 
(7) Trong thời hạn 30 ngày làm việc, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài chuyển Giấy đăng ký hoạt động tới tổ chức phi chính phủ nước ngoài bằng hình thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính. 
 
Lưu ý: Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.
 
Sau gần 02 tháng thẩm định hồ sơ và hoàn tất toàn bộ thủ tục thì tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam được phép đi vào động trong phạm vi mà mình được cho phép cũng như tôn trọng luật pháp tại Việt Nam.
 
Trên đây là tổng hợp các điều kiện, thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức phi chính phủ, qua đó nhằm giải đáp các thủ tục đăng ký được quy định mới nhất kể từ năm 2022. Qua đó, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ hơn về tổ chức phi chính phủ nước ngoài so với quy định hiện hành là Nghị định 12/2012/NĐ-CP đã bắt đầu cho thấy nhiều điểm hạn chế và nhiều tổ chức gắn mác phi lợi nhuận đã thu lợi bất chính.
 
Xem thêm Nghị định 58/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2022 thay thế Nghị định 12/2012/NĐ-CP.
  •  559
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…