DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư, đất ở

Trường hợp người dân không còn nhu cầu sử dụng đất trồng cây lâu năm nữa mà muốn chuyển sang đất thổ cư, đất ở thì cần thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
 
Tuy nhiên, khác với các loại đất khác, đất trồng cây lâu năm cũng có những nguyên tắc riêng khi chuyển đổi mà không phải ai cũng nắm rõ, dưới đây là thủ tục chuyển đổi đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư.
 
thu-tuc-chuyen-doi-dat-trong-cay-lau-nam-sang-dat-tho-cu-dat-o
 
1. Nguyên tắc cần lưu ý khi sử dụng đất 
 
Theo quy định tại Điều 6 Luật đất đai 2013 có nói về nguyên tắc sử dụng đất đối với cá nhân, hộ gia đình và tổ chức khi sử dụng đất phải đảm bảo 3 nguyên tắc sau:
 
- Thứ là đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
 
- Thứ hai là tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
 
- Thứ ba là người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
 
2. Chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm có phải xin cấp phép?
 
Những trường hợp sau đây khi người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo quy khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013)
 
- Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.
 
- Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
 
- Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.
 
- Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở.
 
- Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
 
Do đó, người dân khi chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở thì phải thực hiện nghĩa vụ xin phép cơ quan có thẩm quyền và nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
 
Ngoài ra, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng.
 
3. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm sang đất ở
 
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
 
Căn cứ Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT quy định người có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất cần chuẩn bị hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
 
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hồ sơ gồm:
 
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT.
 
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 
Bước 2: Cách thức nộp hồ sơ
 
Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng TN&MT.
 
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
 
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
 
Bước 4. Xử lý và giải quyết yêu cầu
 
- Phòng TN&MT có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích.
 
- Phòng TN&MT hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
 
- Phòng TN&MT chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
 
Bước 5. Trả kết quả
 
Phòng TN&MT trao quyết định cho hộ gia đình, đồng thời cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính sau khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
 
* Thời gian thực hiện:
 
- Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất);
 
- Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
 
4. Xử phạt hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trồng cây lâu năm trái phép
 
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP cá nhân sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 Luật đất đai 2013 sẽ bị xử phạt như sau:
 
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta.
 
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.
 
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta.
 
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
 
Lưu ý: Tổ chức vi phạm tại Điều này thì mức phạt gấp 2 lần.
 
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước, đồng thời nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
 
Như vậy, khi có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất thổ cư, đất ở thì cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đúng thủ tục. Trường hợp vi phạm có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng đối với tổ chức.
  •  27456
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

3 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…