DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”

Thông qua công tác kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, bị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân (TAND) cấp cao tại Đà Nẵng huỷ bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để xét xử lại sơ thẩm.

1. Nội dung vụ án

Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Đ và Nguyễn Thị M trình bày:

Ngày 27/10/2008, vợ chồng ông Đ, bà M có cho bà N vay 100.000.000 đồng. Hằng tháng, bà N trả lãi đầy đủ, ngày 04/01/2010, bà N có trả 50.000.000 đồng tiền gốc, còn nợ 50.000.000 đồng. Sau đó, nhiều lần bà N nhờ vợ chồng ông Đ vay tiền giúp. Vợ chồng ông Đ đã có 11 lần vay giúp và đưa tiền cho bà N, với tổng số tiền 1.060.000.000 đồng, việc đưa tiền có viết giấy vay. Bà N trả lãi đầy đủ, đến tháng 5/2010 thì không trả nữa. Nguồn gốc số tiền vợ chồng ông Đ cho bà N vay là do vợ chồng ông Đ đi vay của người thân trong gia đình. Để bà N hiểu và sớm trả nợ, hai bên đã lập “Giấy xác nhận nhờ vay tiền ngày 27/6/2010” để chốt nợ với tổng số tiền 1.110.000.000 đồng (đã bao gồm cả số tiền còn nợ 50.000.000 đồng đã vay ngày 27/10/2008). Sau khi viết “Giấy xác nhận nhờ vay tiền”, hai bên đã thống nhất huỷ 11 giấy vay tiền trước đó, chỉ giữ lại Giấy vay tiền ngày 27/10/2008. Tuy nhiên, sau đó bà N không chịu trả nợ mà cố tình trốn tránh. Đến ngày 03/9/2014, bà N trả 250.000.000 đồng tiền gốc và xin xoá toàn bộ số nợ còn lại, nhưng vợ chồng ông Đ không đồng ý.

Vợ chồng ông Đ khởi kiện yêu cầu bà N trả 860.000.000 đồng tiền gốc và tiền lãi chậm thanh toán nợ quá hạn kể từ ngày 30/8/2010 với lãi suất 10%/năm.

Bị đơn bà Trần Thị Ngọc N trình bày:

Bà thừa nhận có ký vào “Giấy xác nhận nhờ vay tiền ngày 27/6/2010”, nhưng đây chỉ là việc bà nhờ vợ chồng ông Đ vay tiền, chứ thực tế vợ chồng ông Đ chưa giao tiền cho bà. Việc bà trả 250.000.000 đồng vào ngày 03/9/2014 là trả cho khoản vay khác nên bà không đồng ý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2. Quá trình giải quyết của Toà án

Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2015/DS-ST ngày 26/8/2015 của TAND thành phố X, tỉnh Y và Bản án dân sự phúc thẩm số 17/2015/DS-PT ngày 26/11/2015 của TAND tỉnh Y chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà N trả cho vợ chồng ông Đ 860.000.000 đồng tiền gốc.

Quyết định giám đốc thẩm số 76/2017/DS-GĐT ngày 07/8/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng huỷ toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho TAND cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Bản án dân sự sơ thẩm số 46/2018/DS-ST ngày 26/12/2018 của TAND thành phố X, tỉnh Y quyết định:

“…Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thanh Đ và bà Nguyễn Thị M về việc yêu cầu bà Trần Thị Ngọc N phải trả số tiền 1.669.500.000 đồng, trong đó tiền gốc 860.000.000 đồng, tiền lãi 809.000.000 đồng…”

Ngày 08/01/2019, ông Nguyễn Thanh Đ có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm.

Bản án phúc thẩm số 17/2019/DS-PT  ngày 22/5/2019 của TAND tỉnh Y, quyết định:

“…Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Thanh Đ, bà Nguyễn Thị M. Sửa bản án sơ thẩm. Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thanh Đ, bà Nguyễn Thị M.

Buộc bà Trần Thị Ngọc N phải trả cho nguyên đơn ông Nguyễn Thanh Đ, bà Nguyễn Thị M số tiền là 91.233.500 đồng, trong đó gồm 50.000.000 đồng số tiền nợ gốc và 41.233.500 đồng tiền nợ lãi.

Bác yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bà Trần Thị Ngọc N phải trả số tiền nợ gốc còn lại là 810.000.000 đồng và tiền lãi là 768.563.500 đồng.”

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Đ, bà Nguyễn Thị M gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm nêu trên.

Ngày 26/8/2019, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng huỷ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm nêu trên để xét xử lại sơ thẩm.

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 67/2019/DS-GĐT ngày 22/11/2019, Uỷ ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận Kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, huỷ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND thành phố X, tỉnh Y xét xử lại sơ thẩm.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Về căn cứ xác định bà N còn nợ vợ chồng ông Đ số tiền 860.000.000 đồng: Mặc dù tài liệu nguyên đơn xuất trình có tiêu đề “Giấy xác nhận nhờ vay tiền” và tài liệu này không ghi rõ việc vợ chồng ông Đ đã giao số tiền 1.110.000.000 đồng cho bà N. Tuy nhiên, nếu thực tế vợ chồng ông Đ chưa giao số tiền 1.110.000.000 đồng thì các bên đã không xác lập “Giấy xác nhận nhờ vay tiền”; đồng thời, không thể có thoả thuận “Lãi thanh toán hằng tháng khi đến hạn tính từ ngày vay là 27/6/2010, gốc trả trong vòng 02 tháng khoảng đến chậm nhất là 30/8/2010 sẽ thanh toán toàn bộ”. Nếu chưa giao tiền, các bên căn cứ vào cơ sở nào để xác định ngày bắt đầu tính lãi và ngày phải thanh toán nợ.

Ông Đ cung cấp USB ghi âm, ghi hình đoạn đối thoại giữa bà N, ông T (em ruột bà N) với vợ chồng ông Đ. Tại Kết luận giám định số 47/C54-P6 ngày 23/4/2018 của Viện Khoa học Hình sự - Tổng cục Cảnh sát đã kết luận: Không phát hiện thấy dấu hiệu bị cắt ghép, biên tập, chỉnh sửa nội dung âm thanh, hình ảnh trong các file cần giám định. Hình ảnh của người đàn ông và người phụ nữ xuất hiện trong video chính là của ông Đ, bà N. Đoạn đối thoại được TAND hai cấp trích xuất (sau khi thụ lý lại vụ án) thể hiện:

Khi ông Đ nói bà N còn nợ 1.110.000.000 đồng từ năm 2010 đến nay nhưng chưa trả gốc và lãi, đề nghị bà N trả nợ hoặc bán nhà nghỉ cho ông Đ để cấn trừ nợ, còn chênh lệch bao nhiêu thì ông Đ sẽ trả cho bà N.

Bà N không phản đối số nợ 1.110.000.000 đồng ông Đ đã nêu, bà N chỉ xin trả 250.000.000 đồng và xin xoá hết số nợ còn lại, vì không còn tiền để trả. Năm 2013, bà N dự định trả bớt cho ông Đ 700.000.000 đồng nếu bán nhà nghỉ thành công với giá 3.200.000.000 đồng, nhưng sau đó giá nhà hạ nên không bán được. Bây giờ ông Đ không chấp nhận xoá số nợ còn lại thì cho bà N đi tù. Còn nhà nghỉ đã bán cho ông T để lấy tiền trả nợ, nếu bán cho ông Đ thì chồng bà N sẽ không đồng ý.

Còn ông T nói rằng, bà N mắc nợ người khác đều trả 1/3, bà N nói nếu bà N trả 250.000.000 đồng mà ông Đ xoá nợ còn lại thì bà N mới trả, còn không bà N không trả.

Với nội dung đoạn đối thoại nêu trên có cơ sở xác định, vào ngày 03/9/2014, giữa các bên đã trao đổi về số nợ 1.110.000.000 đồng và bà N có trả 250.000.000 đồng cho khoản nợ này. Số nợ còn lại, bà N xin xoá hết nhưng vợ chồng ông Đ không đồng ý. Điều này là phù hợp với lời khai của ông T tại Biên bản xác minh ngày 22/4/2015, nội dung: Tôi được biết chị N có vay của ông Đ, bà M khoảng hơn 1.000.000.000 đồng, vay ngày 27/6/2010. Khoảng tháng 4 hoặc tháng 5/2014, chị N có đem theo 250.000.000 đồng và nhờ tôi đi cùng đến nhà ông Đ để trả nợ.

Quá trình giải quyết vụ án, bà N cho rằng, số tiền 250.000.000 đồng là trả cho khoản vay khác. Tuy nhiên, bà N không chứng minh được ngoài khoản nợ 1.110.000.000 đồng thì giữa bà N với vợ chồng ông Đ còn có khoản vay khác. Hơn nữa, vào ngày 03/9/2014, giữa các bên chỉ trao đổi về số nợ 1.110.000.000 đồng mà không nói khoản nợ nào khác. Do vậy, việc bà N trả 250.000.000 đồng vào ngày 03/9/2014 là trả cho khoản nợ 1.110.000.000 đồng.

 Quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng bà N đã có hành vi tẩu tán tài sản là nhà và đất có diện tích 201m2 tại khu phố 6, phường 1, thành phố X, tỉnh Y nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với vợ chồng ông Đ. Nhà và đất nêu trên được bà N xác định là đã chuyển cho ông T. Nhưng sau đó, vợ chồng và các con của bà N lại lập văn bản thoả thuận đây là tài sản riêng của cá nhân ông P (chồng bà N). Trên cơ sở đó, ông P được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 10/3/2016. Tiếp đến ông P chuyển nhượng cho ông Q, hiện nay ông Q đã làm thủ tục tặng cho ông P.

Như vậy, lời khai của vợ chồng ông Đ cho rằng việc lập “Giấy xác nhận nhờ vay tiền ngày 27/6/2010” thực tế là nhằm chốt lại 12 khoản vay nợ trước đó với tổng số tiền 1.110.000.000 đồng và vợ chồng ông Đ đã giao đủ số tiền này cho bà N là có căn cứ, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Lời khai của bà N cho rằng, vợ chồng ông Đ chưa giao số tiền 1.110.000.000 đồng cho bà N là không phù hợp.

TAND cấp sơ thẩm, phúc thẩm xem xét, đánh giá chứng cứ không toàn diện, giải quyết vụ án không đúng pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn./.

TL (tổng hợp)

Theo Cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao

 

  •  5213
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…