DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Thỏa thuận ly hôn bằng miệng liệu có giá trị pháp lý?

Trong quá trình hôn nhân mà đời sống vợ, chồng không hạnh phúc dẫn đến việc ly hôn hiện nay không hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ can đảm để có thể kết thúc một mối tình vì còn nhiều thứ ràng buộc bên cạnh tình cảm như con cái, công việc, gia đình,.. Thì một lựa chọn trong trường hợp này là các cặp đôi tự thỏa thuận ly hôn bằng miệng với nhau.  
 
Thời gian vừa qua vừa xảy ra một tranh cãi rằng trong thời gian ly hôn và chờ Tòa án thụ lý và giải quyết thì người chồng đã quan hệ với một người phụ nữ khác, khi bị phát hiện thì người này cho rằng vợ chồng họ đã đồng thuận ly hôn bằng miệng và việc này không vi phạm pháp luật.
 
Điều này đã nổ ra một tranh luận rằng liệu pháp luật có chấp nhận ly hôn bằng miệng hay không và trong thời gian chờ Tòa án ra quyết định ly hôn có được ngoại tình?
 
thoa-thuan-ly-hon-bang-mieng
 
Khi nào vợ/chồng ly hôn được công nhận
 
Hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định thỏa thuận ly hôn bằng miệng của vợ/chồng. Việc vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về chuyện ly hôn bằng miệng thì xem như không có giá trị pháp lý khi căn cứ khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
 
Như vậy theo quy định trên chỉ khi vợ chồng thuận tình ly hôn và được Tòa án ban hành Bản án/Quyết định về việc ly hôn của vợ chồng.
 
Sau thời gian kháng cáo nếu là ly hôn đơn phương thì hết thời hạn kháng cáo 15 ngày và thời hạn kháng nghị của VKS là 15 ngày nếu VKS cùng cấp kháng nghị; 01 tháng nếu VKS cấp trên trực tiếp kháng nghị. Mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị thì sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật. Kể từ thời điểm này thì cả hai không còn bị ràng buộc nghĩa vụ vợ chồng với nhau nữa.
 
Lưu ý: chỉ có tòa án mới có quyền ra quyết định công nhận ly hôn của vợ/chồng, kể cả văn bản tự lập và có ký kết của vợ chồng thì vẫn không được công nhận.
 
Vợ/chồng có được ngoại tình trong thời gian Tòa án thụ lý ly hôn
 
Cũng như quy định thỏa thuận ly hôn bằng miệng hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cho phép vợ chồng có người mới trong thời gian thụ lý ly hôn tại Tòa án. Qua đó, chỉ khi có quyết định công nhận của Tòa án thì mới được phép có một mối quan hệ mới. Việc người chồng như câu chuyện trên có hành vi qua lại với một người phụ nữ khác trong thời gian chưa có quyết định của Tòa thì xem như vi phạm nguyên tắc “01 vợ 01 chồng” quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình.
 
Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 còn nghiêm cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Do đó người có hành vi này được xem là ngoại tình và có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Hành vi ngoại tình bị xử lý ra sao?
 
Nhắc lại một trong những nguyên tắc cơ bản nhưng rất quan trọng trong hôn nhân tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đó là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Khi vi phạm nguyên tắc này thì người ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc đối mặt hình sự.
 
(1) Trường hợp xử lý vi phạm hành chính
 
Theo đó, tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
 
Phạt tiền từ 3 triệu đồng - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
 
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
 
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác.
 
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
 
(2) Xử lý hình sự tội ngoại tình
 
Cụ thể tại khoản 1 Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng thì người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
 
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn.
 
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
 
Như vậy, qua sự việc thỏa thuận ly hôn bằng miệng của hai vợ chồng được xem là không có giá trị pháp lý và việc người chồng có một mối quan hệ khác trong thời gian Tòa án thụ lý được xem là vi phạm pháp luật về chế độ hôn nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu dẫn đến ly hôn. Đây cũng là cảnh tỉnh cho nhiều người có suy nghĩ rằng quan hệ bất chính trong thời gian hôn nhân là việc bình thường.
  •  711
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…