DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Sắp có Nghị định hướng dẫn Luật ban hành VBQPPL

Từ ngày 01/7/2016, Nghị định hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) bắt đầu có hiệu lực, sẽ thay thế các Nghị định 24/2009/NĐ-CP, Nghị định 91/2006/NĐ-CP, Nghị định 40/2010/NĐ-CP, Nghị định 100/2010/NĐ-CP, Nghị định 16/2013/NĐ-CP.

Lưu ý: các VBQPPL được ban hành theo Luật ban hành VBQPPPL năm 2008 hoặc Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 mà chưa bị bãi bỏ hoặc thay thế bằng văn bản khác thì được kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa theo quy định tại Nghị định này.

Sau đây, Dân Luật điểm qua một số thông tin nổi bật của Nghị định này như sau:

I. Về các xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

1. Ngày có hiệu lực của VBQPPL phải được quy định cụ thể ngay trong VBQPPL:

Thứ nhất, thời điểm có hiệu lực của VBQPPL

Đối với VBQPPL trung ương: hiệu lực toàn bộ hay một phần VBQPPL không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hay ký ban hành.

Đối với VBQPPL cấp địa phương: không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp tỉnh và không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành với VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã.

Riêng một số văn bản được ban hành theo thủ tục rút họn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua, hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo chậm nhất sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.

Thứ hai, hiệu lực trở về trước của VBQPPL (còn gọi là hồi tố)

- Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, VBQPPPL của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.

- Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp:

+ Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý.

+ Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

- VBQPPL của HĐND, UBND các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

2. Phải có ngày hiệu lực trong văn bản dự thảo

Văn bản dự thảo bắt buộc phải có ghi ngày hiệu lực để đảm bảo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận thông tin trước khi VBQPPL này được ban hành chính thức.

Trường hợp việc ban hành VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm hơn dự kiến, Văn phòng Chính phủ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo xác định cụ thể ngày có hiệu lực của văn bản sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Ngày ký ban hành văn bản là ngày Văn phòng Chính phủ phát hành văn bản đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Đối với VBQPPL của HĐND, UBND cần dành thời gian thích hợp để tuyên truyền, phổ biến nội dung đến đối tượng áp dụng, cần thời gian để người dân có điều kiện cập nhật văn bản hoặc để chuẩn bị các điều kiện cho việc tổ chức thực hiện thì thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định muộn hơn.

Nghị định hướng dẫn Luật ban hành VBQPPL

II. Các phân biệt VBQPPL với văn bản hành chính

1. Văn bản của Thủ tướng Chính phủ  

- Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định QPPL để quy định các vấn đề sau:

+ Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chính quyền địa phương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

+ Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình, đề án; giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội cho cơ quan, đơn vị; thành lập trường đại học; thành lập các ban chỉ đạo, hội đồng, ủy ban lâm thời để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; khen thưởng, kỷ luật, điều động công tác; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, tạm đình chỉ công tác cán bộ, công chức và về các vấn đề tương tự thì không phải là VBQPPL.

2. Văn bản của HĐND và UBND

- HĐND ban hành nghị quyết QPPL và UBND ban hành quyết định QPPL để quy định các vấn đề:

* Đối với HĐND cấp tỉnh:

+ Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

+ Chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên.

+ Biện pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

+ Biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Đối với UBND cấp tỉnh:

+ Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

+ Biện pháp thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

+ Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương.

Và những vấn đề được Luật giao.

- Các nghị quyết do HĐND và quyết định do UBND ban hành được xem là văn bản hành chính như: nghị quyết về miễn nhiệm, bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và các chức vụ khác; nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu cử đại biểu HĐND và bầu các chức vụ khác; nghị quyết về việc giải tán HĐND; nghị quyết về việc phê chuẩn cơ cấu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; nghị quyết về việc thành lập, sáp nhập, giải thể một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND; quyết định thành lập các ban, ban chỉ đạo, hội đồng, Ủy ban lâm thời để thực hiện nhiệm vụ trong một thời gian xác định; nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân; nghị quyết bãi bỏ VBQPPL của UBND; nghị quyết về tổng biên chế ở địa phương; quyết định phê duyệt kế hoạch, quy hoạch phát triển đối với một ngành, một đơn vị hành chính địa phương; quyết định giao chỉ tiêu cho từng cơ quan, đơn vị; quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đơn vị hành chính địa phương, quy hoạch ngành; quyết định về chỉ tiêu biên chế cơ quan, đơn vị; quyết định về khoán biên chế, kinh phí quản lý hành chính cho từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND và những văn bản tương tự khác để giải quyết những vụ việc cụ thể đối với những đối tượng cụ thể.

III. Bố cục nội dung VBQPPL

1. Phần mở đầu

- Phần mở đầu của văn bản bao gồm Quốc hiệu, tiêu ngữ, tên cơ quan ban hành, số, ký hiệu văn bản, địa danh, ngày, tháng, năm ban hành, tên văn bản và căn cứ ban hành văn bản.

- Đối với văn bản ban hành kèm theo một hình thức văn bản khác như  quy chế, quy định, điều lệ, danh mục và các văn bản tương tự khác, thì phần mở đầu của văn bản được ban hành kèm theo bao gồm Quốc hiệu, tên cơ quan ban hành, tên văn bản. Dưới tên văn bản được ban hành kèm theo phải chỉ rõ tên, số ký hiệu, ngày, tháng, năm ban hành của văn bản ban hành kèm theo.

2. Nội dung

Tùy theo nội dung văn bản có phạm vi điều chỉnh rộng hoặc hẹp có thể lựa chọn một trong các cách bố cục sau đây:

- Phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm.

- Chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm.

- Chương, mục, điều, khoản, điểm.

- Chương, điều, khoản, điểm.

- Điều, khoản, điểm.

Mỗi điểm trong bố cục của văn bản chỉ được thể hiện một ý và phải được trình bày trong một câu hoàn chỉnh hoặc một đoạn; không sử dụng các ký hiệu khác (xuống dòng, dấu gạch ngang (-), dấu cộng (+), dấu sao (*)... đầu dòng kế tiếp để thể hiện các ý trong một điểm)

Trường hợp văn bản được ban hành kèm theo văn bản khác thì văn bản được chia làm hai phần gồm văn bản ban hành kèm theo và văn bản được ban hành kèm theo.

Phần văn bản ban hành kèm theo chứa đựng các nội dung quy định về việc ban hành kèm theo văn bản khác, tổ chức thực hiện và hiệu lực của văn bản.

Phần văn bản được ban hành kèm theo chứa đựng các quy định cụ thể của văn bản. Tùy theo nội dung, phần văn bản được ban hành kèm theo có thể bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm.

3. Kết thúc văn bản

Phần kết thúc của văn bản gồm chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản; dấu của cơ quan ban hành văn bản; nơi nhận văn bản.

Đối với văn bản ban hành kèm theo một hình thức văn bản khác, thì phần kết thúc của văn bản được ban hành kèm theo gồm chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền ký ban hành văn bản; dấu của cơ quan ban hành văn bản.

4. Kỹ thuật trình bày nội dung văn bản

Việc sắp xếp các quy định về cùng một vấn đề trong phần, chương, mục, tiểu mục phải bảo đảm nguyên tắc:

- Quy định chung được trình bày trước quy định cụ thể.

- Quy định về nội dung được trình bày trước quy định về thủ tục.

- Quy định về quyền và nghĩa vụ được trình bày trước quy định về chế tài.

- Quy định phổ biến được trình bày trước quy định đặc thù.

- Quy định chung được trình bày trước quy định ngoại lệ.

IV. Hình thức VBQPPL

1. Khổ giấy

Bản gốc văn bản được trình bày trên giấy khổ A4 có kích thước chiều rộng là 210 mi-li-mét (mm) và kích thước chiều dài là 297 mm. Các kích thước này được phép sai số lên 0,2 mm.

2. Định lề trang văn bản

Trang văn bản có khổ lề như sau:

- Lề trên: 20 mm.

- Lề dưới: 20 mm.

- Lề trái: 30 mm.

- Lề phải: 20 mm.

Các kích thước trên được phép sai số 5 mm.

3. Phông chữ

Phông chữ của văn bản phải là phông chữ của bộ mã ký tự chữ Việt (phông chữ tiếng Việt Unicode) theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909: 2001.

4. Đánh số trang văn bản

Trang của văn bản gồm nhiều trang được đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập liên tục từ trang thứ hai đến trang cuối của văn bản, ở giữa theo chiều ngang trong phần lề trên của văn bản hoặc bên phải theo chiều ngang trong phần lề dưới của văn bản.

Xem chi tiết hướng dẫn cách trình bày văn bản tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2014 (file đính kèm)

 

  •  6223
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…