DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quy định về việc bảo đảm quyền con người tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Đây là bài viết của Tạp chí Kiểm sát, tên đầy đủ là Một số quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc bảo đảm quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân

Quyền con người là những giá trị tự nhiên mà con người được hưởng, phù hợp với những điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhất định, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bao gồm các quyền về dân sự, chính trị như quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; quyền tự do, quyền bình đẳng trước pháp luật…

Trong các giai đoạn tố tụng hình sự, thì giai đoạn khởi tố, điều tra là giai đoạn dễ xâm phạm quyền con người nhất. Vì vậy, trong giai đoạn này, Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; đảm bảo mọi tội phạm được phát hiện phải bị khởi tố, việc khởi tố vụ án có căn cứ, đúng pháp luật. Đồng thời, khi tiến hành hoạt động kiểm sát tư pháp trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Viện kiểm sát được sử dụng tất cả những quyền năng pháp lý do luật định để phát hiện vi phạm và yêu cầu xử lý vi phạm của các cơ quan, của những người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, nhằm bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong quá trình điều tra vụ án, bảo đảm bất cứ hành vi phạm tội nào xâm phạm đến quyền con người đều phải được phát hiện, xử lý trước pháp luật; và các hoạt động điều tra, các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can được tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sắp được thi hành, mà theo đó, rất nhiều những nội dung quy định có tính nguyên tắc được đưa vào Bộ luật này nhằm bảo đảm quyền con người trong giai đoạn khởi tố, điều tra các vụ án hình sự.

1. Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 (viết tắt BLTTHS). Mà theo đó, rất nhiều những nội dung quy định có tính nguyên tắc được đưa vào Bộ luật này là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, như:

Thứ nhất, cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự thành Quy định về tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân: Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết.

Thứ hai, quy định về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người. (Điều 10). Ngoài ra, khoản 6 Điều 183 BLTTHS quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Với quy định này, đối với hoạt động hỏi cung được đánh giá là cần thiết nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, giao Chính phủ bảo đảm kinh phí thực hiện quy định về chỉ định người bào chữa, ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can;  Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 01/01/2017. Chậm nhất đến 01/01/2019 thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Thứ ba, cụ thể hóa khoản 5 Điều 31 Hiến pháp 2013 thành quy định tại Điều 11 Bộ luật tố tụng hình sự về bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân. Mà theo đó, Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân bị xử lý theo pháp luật. Ngoài ra, Luật Tạm giữ, tạm giam năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, mà theo đó, tại khoản 3 Điều 4 của Luật này ghi nhận nguyên tắc quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam: “Bảo đảm nhân đạo; không tra tấn, truy bức, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”; khoản 1 Điều 8 quy định hành vi bị nghiêm cấm:“Tra tấn, truy bức, dùng nhục hình; các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam”. Một trong những quyền của người bị tạm giữ, tạm giam được pháp luật bảo đảm theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 9:“Được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật;” Bên cạnh đó, Bộ luật hình sự năm 2015, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, mà theo đó, tội “Dùng nhục hình” có quy định tại Điều 373. Nếu so sánh tội danh này với quy định tại Điều 298 BLHS năm 1999, rõ ràng nhà làm luật đã có sự “nội luật hóa” Công ước chống tra tấn của Liên Hợp Quốc theo tinh thần Nghị quyết 83/2014/QH13. Theo Điều 1 Công ước chống tra tấn, tra tấn được hiểu là: bất kỳ hành vi cố ý gây ra sự đau đớn hoặc chịu đựng đối với một người về thể xác lẫn tinh thần, nhằm mục đích lấy những thông tin, sự thú tội từ người đó hay một người thứ ba; trừng phạt người đó về một việc mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hoặc nghi ngờ đã thực hiện; đe doạ hoặc ép buộc người đó hay người thứ ba; hoặc vì các mục đích khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi mà sự đau đớn hoặc chịu đựng đó được gây ra bởi hoặc với sự xúi giục của hoặc với sự đồng ý hoặc sự ưng thuận của một nhân viên chính quyền.

Khái niệm tại Công ước cho thấy “tra tấn” gồm ba yếu tố cơ bản: hành vi, chủ thể thực hiện và mục đích. Trong đó,

i) Về hành vi, tra tấn gồm: mọi hành vi cố ý gây đau đớn về thể xác hay tinh thầncho một người nhằm mục đích lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba; hành vi trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện; hành vi đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc bất kỳ hành vi đối xử có tính chất phân biệt đối xử.

ii) Về chủ thể thực hiện bao gồm: một công chức thực hiện hoặc do người khác thực hiện bởi sự xúi giục, đồng tình của một công chức.

iii) Về mục đích: nhằm lấy thông tin hoặc lời thú tộitừ người đó hay một người thứ ba hoặc trừng phạt họ.

Đáng chú ý là BLHS 2015 đã sửa đổi tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội dùng nhục hình, tội bức cung theo hướng tăng nặng nhằm đảm bảo yêu cầu của Công ước chống tra tấn, cụ thể:

+ BLHS 2015 bổ sung tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân” vào tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (điểm b khoản 3 Điều 157, mức hình phạt từ năm năm tù đến 12 năm tù).

+ BLHS 2015 bổ sung hành vi khách quan “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào” vào tội dùng nhục hình (Điều 373). Điều luật cũng quy định nếu người phạm tội làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ bảy năm đến 12 năm (khoản 3); làm người bị nhục hình chết thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

+ BLHS 2015 bổ sung tình tiết tăng nặng định khung vào tội bức cung (Điều 374). Trường hợp “dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung” sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm (khoản 2); phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm người bị bức cung chết; dẫn đến làm oan người vô tội; dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4).

Thứ tư, ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội theo đúng tinh thần quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 13 BLTTHS phù hợp với nội dung quy định của Công ước chống tra tấn và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Mà theo đó: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Tại điểm d khoản 1 Điều 58; điểm c khoản 2 Điều 59; điểm d khoản 2 Điều  60 và điểm h khoản 2 Điều 61 BLTTHS quy định người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt theo quyết định truy nã; người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền: Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Có thể nói, quy định về quyền im lặng này được giới luật học và nhân dân đánh giá cao vì nó góp phần chống bức cung, nhục hình, bảo vệ quyền con người và phù hợp với nền tố tụng tiến bộ của nhiều nước trên thế giới. Những quy định này cũng trùng khớp với quy định tại điểm g khoản 3 Điều 14 của Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16/12/1966; có hiệu lực ngày 23/3/1976 mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982.

Thứ năm, cụ thể hóa quy định tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 16 BLTTHS, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

2. Cụ thể hóa những quy định liên quan đến bên bị buộc tội

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung những điểm mới một cách cụ thể giúp bên bị nghi thực hiện hành vi phạm tội, bên bị buộc tội bình đẳng hơn nữa trong quá trình tham gia tố tụng.

Thứ nhất, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung người tham gia tố tụng mới cũng như quy định về quyền và nghĩa vụ cho những chủ thể này để họ có cơ sở pháp lý bảo vệ mình trước sự nghi ngờ là thực hiện hành vi phạm tội, đó là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt (Điều 55, 56, 57).

Thứ hai, ở khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về chứng cứ, khoản 1 các Điều 48, 49, 50 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có những quy định ảnh hưởng đến quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo khi chỉ chấp nhận là chứng cứ nếu tài liệu, đồ vật được thu thập bởi các cơ quan tiến hành tố tụng, những tài liệu, đồ vật do chủ thể khác thu thập thì không được coi là chứng cứ.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có bước thay đổi về nội dung chứng cứ cũng như bổ sung quyền của người bị buộc tội là quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (Điều 58, 59, 60, 61); người bào chữa có quyền thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu (điểm h, khoản 1 Điều 73).

Thứ ba, tại Điều 48, 49, 50 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nghĩa rằng họ có quyền chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự cho mình. Tuy nhiên, để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện được các quyền này thì lại phụ thuộc vào thiện ý của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, do chưa có nhận thức đầy đủ quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là được chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình mà vô hình chung người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nhiều khi đã bị gạt ra khỏi quá trình tố tụng, mà cụ thể hơn, họ đã bị gạt ra khỏi quá trình tranh tụng. Có không ít những trường hợp khi người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền tự bào chữa cho mình thì lại cho rằng người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thái độ không thành khẩn khi khai báo. Điều đó đã hạn chế đi quyền bào chữa của những chủ thể này.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung một số quyền mới đã giúp cho người bị buộc tội có chỗ đứng công bằng trong quá trình tranh tụng, trong quá trình chứng minh sự vô tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho mình. Những quyền mới đó là: Trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá (Điều 58, 59, 60, 61 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Đối với bị can, bị cáo, một số quyền mới khác cũng được quy định bổ sung góp phần tạo điều kiện cho người bị buộc tội thực hiện việc gỡ tội cho mình. Đối với bị can, được bổ sung thêm quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; quyền được đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Đối với bị cáo, được bổ sung thêm quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, điều tra viên tham gia phiên tòa; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa.

Thứ tư, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có một loạt những quy phạm pháp luật mới đảm bảo cho người bào chữa thuận lợi trong quá trình tham gia tố tụng hình sự. Cụ thể như sau:

+ Ở Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, thời điểm sớm nhất mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi có quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã thể hiện sự tiến bộ khi quy định thời điểm sớm nhất mà người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

+ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng quyền của người bào chữa. Người bào chữa có quyền được gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quy định này triệt tiêu việc những người có thẩm quyền gây khó khăn cho người bào chữa khi muốn gặp thân chủ của mình. Một số quy định mới khác cũng đã cho thấy một bước tiến lớn góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, như: Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định người bào chữa muốn biết về thời gian, địa điểm hỏi cung bị can thì phải đề nghị với cơ quan điều tra báo trước. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đặt trách nhiệm cho cơ quan có thẩm quyền trong việc báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác cho người bào chữa, tránh việc những người có thẩm quyền chậm trễ, gây khó khăn cho người bào chữa đối với nội dung này.

+ Việc lựa chọn người bào chữa, thủ tục đăng ký bào chữa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được quy định chi tiết, cụ thể, và thuận lợi để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội.

  •  22372
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…