DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phải làm sao khi được tặng cho chung nhưng Sổ đỏ chỉ đứng tên chồng?

Sau khi kết hôn, nhiều cặp vợ chồng được bố mẹ tặng cho đất, tuy nhiên sổ đỏ lại chỉ đứng tên một người. Vậy người còn lại có được hưởng quyền lợi gì không?

Được tặng cho chung nhưng sổ đỏ chỉ đứng tên chồng, phải làm sao - Minh họa

Tài sản được tặng cho thuộc về ai sẽ phải xem xét thời điểm và đối tượng được tặng cho quyền sử dụng đất.

Trước thời điểm kết hôn, nếu vợ hoặc chồng được tặng cho tài sản, thì đó là tài sản riêng của họ. Việc kết hôn sẽ không làm thay đổi từ tài sản riêng sang tài sản chung trừ khi giữa hai bên có thỏa thuận khác căn cứ Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Nếu việc tặng cho là sau thời điểm kết hôn, cần phải xem xét đối tượng được tặng cho là ai bởi không phải bất kỳ tài sản nào trong thời kỳ hôn nhân cũng là tài sản chung của vợ chồng.

1.Trường hợp đất chỉ được tặng cho vợ hoặc chồng: tài sản được tặng cho là tài sản riêng căn cứ theo tại khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình, nên việc chỉ có người đó được đứng tên một mình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người còn lại sẽ không có quyền gì với tài sản này trừ trường hợp có thỏa thuận khác

2.Trường hợp đất được tặng cho cả hai vợ chồng

Tài sản có được từ việc tặng cho chung, thừa kế chung sẽ là tài sản chung của hai vợ chồng căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014. Hai vợ chồng lúc này sẽ có chung quyền sử dụng đất và các quyền định đoạt liên quan như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp..v.v…

Về vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên một người thì căn cứ theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định:

“2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.”

Vậy trong trường hợp quyền sử dụng đất là của chung hai người, nhưng chỉ có một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì người còn lại hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp giấy chứng quyền sở hữu ghi tên của cả hai vợ chồng.

Thủ tục cho việc yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả hai vợ chồng sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT

- Đơn đề nghị cấp đổi Sổ đỏ (mẫu số 10/ĐK).

- Bản gốc Sổ đỏ đã cấp.

- Bằng chứng về việc tài sản được tặng cho là tặng chung cho cả hai vợ chồng như hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với bên tặng cho là tên của cả hai vợ, chồng; Thỏa thuận trong đó nêu rõ nhà đất được tặng cho cả hai vợ, chồng...

Sau đó hồ sơ sẽ được nộp tại một trong các cơ sở sau tùy thuộc vào điều kiện của địa phương nơi mà người có yêu cầu muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ theo 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP

- Văn phòng đăng ký đất đai.

- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

- Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất. Trong vòng 03 ngày, UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

- Bộ phận một cửa theo Quyết định của tỉnh thì vợ, chồng sẽ nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của cơ quan tương ứng

Trong thời hạn 03 ngày, UBND cấp xã sẽ chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai. Tổng thời gian giải quyết không quá 07 ngày khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Vợ hoặc chồng thuộc đối tượng “ cá nhân, hộ gia đình” nên sẽ không phải nộp lệ phí địa chính căn cứ quyết định số 1686/QĐ-BTNMT.

Tóm lại, nếu có căn cứ chứng minh việc ba mẹ tặng cho tài sản cho vợ, chồng sau thời kì hôn nhân là tặng cho chung, thì vợ/chồng có thể nộp hồ sơ yêu cầu đổi tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thành tên của hai người.

Tuy nhiên, nếu tài sản là tài sản được tặng cho chung chung và mọi người không thực hiện thủ tục đổi tên này, thì việc một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không làm mất quyền lợi của người còn lại. Nhưng khi xảy ra tranh chấp sẽ cần có chứng cứ để chứng minh tài sản chung.

Căn cứ Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện như sau:

- Vợ chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập các giao dịch liên quan đến đất ( Căn cứ điều 24 luật này)

-Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi (căn cứ khoản 2 Điều 26 luật này)

-Trường hợp xảy ra tranh chấp về tài sản, thì nếu không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung( căn cứ khoản 3 Điều 33 luật này)

  •  4270
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…