DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phải có thuốc chữa lành căn bệnh sợ trách nhiệm

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ở nội dung này, ĐB Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) có ý kiến tha thiết tại phiên thảo luận Quốc hội hôm qua.

Đại biểu Hoàng Anh Công: Sự chồng chéo, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức vào tâm trạng sợ không dám quyết định. Ảnh: Quochoi.vn

Căn bệnh âm thầm lây lan

Tôi xin đề cập căn bệnh đã xuất hiện từ lâu, hiện vẫn âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, len lỏi trong mỗi người chúng ta và đang trở thành nguy cơ cho sự phát triển của đất nước, đó là căn bệnh sợ trách nhiệm.

Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo đứng đầu, lại sợ trách nhiệm? Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng khi thực hiện lại luôn sợ và không quyết định những vấn đề, chỉ vì mục đích an toàn cho mình. Nỗi lo bị sợ kỷ luật, sợ xử lý bằng pháp luật vào một thời khắc nào đó đã trở thành một nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức.

Trong đợt phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự. Nỗi sợ trách nhiệm này còn biểu hiện trong công tác phòng, chống dịch, điều hành, phòng, kiểm dịch tại nhiều địa phương.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 nhưng các địa phương vẫn áp dụng những biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, vì sợ rằng nếu để dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật.

Lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi căn bệnh này. Đa số các công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ, ngành đạt tỷ lệ rất thấp, mặc dù Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm nay có tới 36/50 bộ cơ quan trung ương, 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, trong đó có 20 bộ, ngành và 2 địa phương đạt dưới 20%.

Có thể thấy căn bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ không dám quyết định.

Theo tờ trình số 423 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2026, qua rà soát kiến nghị tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy các quy định của pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh có liên quan tới 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư của bộ, ngành. Đây là số liệu rất lớn.

Hệ quả của sự bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng hạn chế năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ, công chức, chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung, cản trở sự phát triển chung của địa phương, cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước.

 

Tác động tiêu cực của hiện tượng này, đó là có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, trung thực thấy đúng thì dám làm, thấy sai dám đấu tranh vì lợi ích chung, đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm, không được bảo vệ.

Sớm luật hóa quy định của Đảng

Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 22/9, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Theo đó,  khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, nếu thực hiện đúng chủ trương có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn giảm trách nhiệm.

Tinh thần này cũng được khẳng định tại Quy định số 22 của Ban chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Tại khoản 3 điều 2 về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng có quy định công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đột phá vì lợi ích chung.

Đây là một chủ trương mới, có hướng tới khuyến khích sự sáng tạo, năng động của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống, cần sớm thể chế hóa các chủ trương này vào pháp luật, nếu không sẽ đi đến việc xử lý tùy tiện.

Luật hóa quy định cụ thể, quy định này sẽ không cho phép bất cứ ai được đưa ý kiến chủ quan và làm thay đổi sự thật, sự công bằng của pháp lý. Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến bị trù dập, bị oan sai. Nếu không sớm luật hóa sẽ vô tình mở thêm thị trường cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử, kiểm sát.

Tôi xin có một vài kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý vi phạm hành chính, hình sự, các quy định pháp luật khác có liên quan để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, sửa đổi, bổ sung, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo. 

Kịp thời thể chế hóa quy định bảo vệ cán bộ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, coi đây là nhiệm vụ cần sớm phải thực hiện và đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh ngay.

Thứ hai, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật còn chung chung dẫn đến tùy tiện trong áp dụng trên thực tế, nhất là các quy định về hình sự, xử lý hành chính, kỷ luật.

Thứ ba, trong giai đoạn trước mắt, cần giao cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, rà soát lại các vụ việc đã và đang được xem xét, xử lý có liên quan đến nội dung nêu trên để có biện pháp tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc xem xét áp dụng quy định này trên thực tế, nhằm củng cố lòng tin, tránh làm oan sai cho cán bộ.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định):

Khi cầm được tấm bằng khen, trong tôi luôn có 2 luồng tình cảm trái ngược, vui có nhưng buồn phần nhiều hơn; buồn vì biết bao nhiêu người xứng đáng hơn tôi chưa được ghi nhận, buồn vì biết rằng sau đó mọi chuyện có thể lại trở lại như cũ. Những thiệt thòi của một ngành mà ai cũng ghi nhận lúc này nhưng hết dịch lại chẳng hề thay đổi. Rất mong sau đại dịch không thể nào quên này, những chế độ, chính sách, những bất cập, vướng mắc của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra.

Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý là điều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Nhưng lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, còn lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi lại khó vô cùng. Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay. Vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn.

Vừa qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có quyết định rất đặc biệt khi bổ nhiệm tôi làm Giám đốc bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 và đồng thời lại bổ nhiệm một vị giám đốc khác để điều hành, gọi là CEO chuyên lo về trang thiết bị vật tư. Với mô hình mới đấy, bệnh viện đã hoạt động trơn tru, hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách.

Đây là một ví dụ cho chúng ta thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn. Tôi tin chắc với những gì cán bộ, nhân viên y tế đã thực hiện trong thời gian qua, nếu chúng tôi được bảo đảm thu nhập để yên tâm công tác thì ngành y chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất cứ những ngành y nào trong khu vực.

Lan Anh

Nguồn: Vietnamnet

  •  750
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…