DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

NSDLĐ “ngâm” không ký HĐLĐ khi hết hạn thử việc có vi phạm pháp luật?

Nhiều bạn sinh viên mới ra trường khi bắt đầu đi làm, hầu hết đều được yêu cầu thử việc. Việc hiểu rõ quy định để làm đúng và đảm bảo được quyền và lợi ích của bản thân là vô cùng quan trọng. Hiểu được điều đó, bài viết sẽ cung cấp đến các bạn những thông tin liên quan đến thời gian thử việc và khi nào phải giao kết HĐLĐ đúng luật? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Pháp luật quy định về thời gian thử việc như thế nào?

Căn cứ tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định rằng:

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Không áp dụng thử việc đối với NLĐ giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.

Về thời gian thử việc của NLĐ cũng được quy định rõ ràng:

NSDLĐ và NLĐ khi ký kết HĐLĐ sẽ tự thỏa thuận thời gian thử việc. Tuy nhiên thời gian thử việc sẽ phải tuân theo nguyên tắc được quy định tại Điều 25 Bộ luật lao động 2019.

Theo đó, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trường hợp NLĐ đã có kinh nghiệm và lành nghề, hai bên có thể trực tiếp ký HĐLĐ mà không cần thử việc.

Khi hết hạn thử việc mà không ký HĐLĐ thì NSDLĐ có vi phạm pháp luật?

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2019 khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ hoặc phải giao kết HĐLĐ đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Như vậy, theo luật định, sau khi kết thúc thời gian thử việc mà thử việc không đạt yêu cầu thì NSDLĐ có quyền chất dứt hợp đồng đã giao kết, điều này đúng với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải tiến hành ký kết HĐLĐ ngay với NLĐ.

Việc NSDLĐ “ngâm” không ký HĐLĐ đối với NLĐ thử việc đạt yêu cầu là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt theo quy định.

Do đó, trước khi hết hạn hợp đồng thử việc thì bên phía NSDLĐ phải có trách nhiệm thông báo cho NLĐ biết kết quả thử việc và nếu NLĐ đạt thì phải tiến hành ký kết hợp đồng chính thức ngay.

NLĐ bị ảnh hưởng thế nào khi NSDLĐ “ngâm” không ký HĐLĐ?

Khi hết thời gian thử việc, NLĐ không giao kết HĐLĐ sẽ có thể phải chịu thiệt thòi. Cụ thể như:

- Khi có tranh chấp liên quan đến các chế độ lương thưởng, giờ làm việc hoặc thời giờ nghỉ ngơi...

- Không được hưởng các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội như: Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ ốm đau, thai sản; hưu trí...

- Không được hưởng các chế độ từ việc tham gia Bảo hiểm y tế.

HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Vì vậy việc ký HĐLĐ sẽ bảo vệ lợi ích cho cả NLĐ lẫn NSDLĐ.

Không ký HĐLĐ sau khi hết hạn thử việc bị phạt như thế nào?

Như vậy, theo nguyên tắc khi hết thời gian thử việc mà NSDLĐ không ký HĐLĐ đối với NLĐ thử việc đạt yêu cầu thì có thể bị phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, biện pháp xử lý hành chính đối với NSDLĐ được áp dụng như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với NSDLĐ không thông báo kết quả thử việc cho NLĐ theo quy định.

Phạt tiền NSDLĐ từ 2-5 triệu đồng đối với:

- Thử việc quá thời gian quy định;

- Không giao kết HĐLĐ với NLĐ khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc. Ngoài ra, khi vi phạm các điều trên ngoài việc xử phạt hành cính thì NSDLĐ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:

- Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động;

- Buộc giao kết HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp không giao kết HĐLĐ với NLĐ khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.

Lưu ý: Mức phạt tiền này được áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

  •  514
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…