DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những nội dung mà NSDLĐ cần lưu ý để tránh bị phạt trong năm 2021

những nội dung cần lưu ý

Những nội dung mà NSDLĐ cần lưu ý

Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực ngày 01/01/2021, theo quy định này có nhiều điểm mới quan trọng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Dưới đây là những nội dung mà doanh nghiệp cần lưu ý để tránh bị phạt trong năm 2021.

1. Không giao kết hợp đồng lao động với NLĐ

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật lao động 2019 thì:

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật lao động 2019 thì hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên sẽ bị phạt:

- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

2. Vi phạm quy định về thời gian thử việc

Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật lao động 2019 thì thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP đối với hành vi yêu cầu người lao động thử việc quá thời gian quy định hoặc kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động thì bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn buộc phải giao kết hợp đồng lao động với lao động đó.

3. Vi phạm về cho thuê lại lao động

Tại Điều 52 Bộ Luật lao động 2019 quy định thì cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.

Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 28/2020/NĐ-CP vi phạm quy định về cho thuê lại lao động như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với bên thuê lại lao động có một trong các hành vi sau:

- Thuê lại lao động làm những công việc không thuộc danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động;

- Ký hợp đồng thuê lại lao động với bên cho thuê lại lao động không có giấy phép hoạt động dịch vụ cho thuê lại lao động;

- Thuê lại lao động khi bên thuê lại lao động đang xảy ra tranh chấp lao động, đình công hoặc thuê lại lao động để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

- Thuê lại lao động để thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp hoặc vì lý do kinh tế.

4. Không công bố công khai bảng lương tại nơi làm việc

Tại Khoản 3 Điều 93 Bộ luật lao động 2019 quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức la động như sau:

"3. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.

Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện."

Việc công bố công khai thang lương, bảng lương tại nơi làm việc đây là quy định mới so với quy định hiện hành tại Điều 93 Bộ luật lao động 2012. Do đó, người sử dụng lao động cần phải xây dựng và công khai bảng lương tại nơi làm việc kể từ năm 2021.

Tại điểm a Khoản 1 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-Cp thì hành vi Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

5. Vi phạm về thời gian làm thêm

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

So với quy định hiện hành tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 BLLĐ 2012 thì số giờ làm thêm giờ không quá 30 giờ trong một tháng. Quy định tại BLLĐ 2019 tăng thời gian làm thêm giờ từ 30 giờ lên 40 giờ trong 01 tháng, tuy nhiên tổng thời gian không quá 200 giờ trong 01 năm.

Tại Khoản 4 Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Lao động thì sẽ bị phạt:

- Từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 60 triệu đồng đến 75 triệu đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

6. Phải trả thêm tiền cho lao động nữ nếu làm việc trọn ngày đèn đỏ

Tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về nghỉ trong thời gian hành kinh của lao động nữ:

a) Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;

...

c) Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Như vậy, trong thời gian hành kinh mà người lao động nữ không có nhu cầu nghỉ (mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc) và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc đó.

7. Sử dụng lao động vị thành niên quá thời gian quy định

Tại Điều 146 Bộ luật lao động 2019 quy định thời gian làm việc của người chưa thành niên như sau:

Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

So với quy định hiện hành tại Điều 163 BLLĐ 2012 thì thời giờ làm việc của người người lao động không thay đổi. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động chưa thành niên mà bỏ qua quy định về thời gian làm việc đối với người lao động đặc biệt này.

Tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì hành vi sử dụng người lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định thì bị phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

8. Không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

Tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

...

Tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013 quy định:

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 hợp đồng lao động phải được giao kết theo 01 trong 02 loại:

- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: Là loại hợp đồng trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

- Hợp đồng lao động xác định thời hạn: Là loại hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực.

So với Bộ luật Lao động hiện hành, Quốc hội đã bỏ nội dung “hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng”.

Như vậy, thay vì có thể ký hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng, người sử dụng lao động từ 01/01/2021 bắt buộc phải ký một trong hai loại hợp đồng là xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với người lao động.

Theo đó, từ năm 2021 đối tượng tham gia đóng BHXH và BHTN bắt buộc là người lao động được giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng không xác định thời hạn.

Tại Khoản 5 Điều 38 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

  •  1105
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…