DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022

Vào tháng 11/2022, có những chính sách nổi bật được đưa vào áp dụng thực tiễn. Nổi bật trong số đó có thể kể đến những chính sách về các lĩnh vực: Bảo hiểm, Doanh nghiệp, Giáo dục, Công nghệ thông tin cụ thể như: quy định các lĩnh vực người có chức vụ sau khi thôi chức không được thành lập doanh nghiệp, Chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024; Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc bồi thường, cưỡng chế kiểm đếm; Tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các tòa án, Điều kiện cấp và thu hồi chứng chỉ đào tạo trong Quân đội. 

1. 11 lĩnh vực người có chức vụ sau khi thôi chức không được thành lập doanh nghiệp

Tại Thông tư 60/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 03/10/2022 quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính.

Trong đó, tại Điều 5 của Thông tư 60/2022/TT-BTC đã quy định cụ thể 11 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ, như sau:

(1) Quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán.

(2) Quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

(3) Quản lý nhà nước về bảo hiểm.

(4) Quản lý nhà nước về hải quan.

(5) Quản lý nhà nước về giá.

(6) Quản lý nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.

(7) Quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp và quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

(8) Quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia.

(9) Quản lý vay nợ, trả nợ trong nước, ngoài nước của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài.

(10) Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước.

(11) Quản lý nhà nước về tài sản công.

Trong thời hạn đủ 24 tháng kể từ ngày thôi giữ chức vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, người có chức vụ, quyền hạn công tác trong các lĩnh vực được quy định tại Điều 5 Thông tư 60/2022/TT-BTC, (ngoại trừ hai lĩnh vực: Quản lý nhà nước về ngân sách nhà nước và Quản lý nhà nước về tài sản công thì thời hạn là đủ 12 tháng) không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.

Thông tư 60/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 17/11/2022.

2. Chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024

Thủ tướng ban hành Quyết định 19/2022/QĐ-TTg ngày 22/9/2022 về chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024.

Cụ thể, mức chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT giai đoạn 2022-2024 như sau:

- Mức chi phí quản lý BHXH (bao gồm bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), BHTN thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15.

- Mức chi phí quản lý BHYT bình quân tối đa 3,5% tiền đóng BHYT, được trích từ quỹ BHYT, trong đó: năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.

Dự toán chi phí quản lý BHYT hằng năm được xác định theo mức chi phí tính trên dự toán thu tiền đóng BHYT hằng năm.

- Các đơn vị thực hiện sử dụng và quyết toán chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT được giao hằng năm theo chế độ quy định. 

Phần chênh lệch giữa chi phí quản lý quyết toán trong phạm vi dự toán được giao và chi phí quản lý theo tỷ lệ tính trên số thực thu, thực chi được trừ vào dự toán chi phí quản lý năm sau.

Trường hợp trong năm, BHXH Việt Nam dự kiến số thu tiền đóng BHYT cao hơn dự toán dẫn đến phát sinh tăng lớn chi phí quản lý thì phải có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng bổ sung dự toán chi phí quản lý BHYT, nhưng không vượt quá tỷ lệ chi phí quản lý được trích tính trên số thu tiền đóng BHYT trong năm.

Xem thêm Quyết định 19/2022/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/11/2022.

3. Quy định mới về mức trích kinh phí bảo đảm cho việc bồi thường, cưỡng chế kiểm đếm

Ngày 05/10/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 61/2022/TT-BTC hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm được quy định như sau:

 (1) Đối với các dự án, tiểu dự án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, dự án, tiểu dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến: 

Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cưỡng chế kiểm đếm (nếu có) được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 61/2022/TT-BTC.

(2) Đối với các dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp (1) mà không phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: 

Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chưa bao gồm kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. 

Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 61/2022/TT-BTC.

 (Điểm mới so với Thông tư 74/2015/TT-BTC

(3) Đối với các dự án, tiểu dự án không thuộc trường hợp (1) mà phải thực hiện cưỡng chế kiểm đếm: 

- Mức trích kinh phí (chưa bao gồm kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm) không quá 2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án, tiểu dự án. 

- Mức trích kinh phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện cưỡng chế kiểm đếm được căn cứ trên cơ sở khối lượng công việc thực tế theo dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 61/2022/TT-BTC .

Thông tư 61/2022/TT-BTC có hiệu lực từ 20/11/2022 và thay thế Thông tư 74/2015/TT-BTC.

4. Tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử giữa các tòa án

Quyết định 296/QĐ-TANDTC được ban hành ngày 10/10/2022 quy định về việc tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu văn bản điện tử trong Tòa án nhân dân.

Cụ thể, Quyết định này quy định không áp dụng đối với việc tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong Tòa án nhân dân có nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật và của Tòa án nhân dân.

Theo đó, yêu cầu tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử như sau:

- Văn bản điện tử phải được đảm bảo tính xác thực về nguồn gốc, sự toàn vẹn, an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình phát hành, tiếp nhận, xử lý và lưu trữ.

- Văn bản điện tử phải được phát hành ngay trong ngày văn bản đó được ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).

- Văn bản điện tử đến có các mức độ khẩn: “Hỏa tốc”, “Thượng khẩn” và “Khẩn” phải được đặt chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.

- Văn bản điện tử phải được theo dõi, cập nhật tự động trạng thái gửi, nhận, xử lý trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Đối với thời điểm gửi, nhận văn bản điện tử: 

- Thời điểm gửi văn bản điện tử là thời điểm văn bản điện tử đó được phát hành trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành và có hồi báo văn bản gửi thành công.

- Thời điểm nhận văn bản điện tử là thời điểm văn bản điện tử được nhập vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành mà bên nhận có thể truy cập và sử dụng văn bản điện tử từ thời điểm đó hoặc được bên nhận xác nhận hoặc hệ thống quản lý văn bản và điều hành ghi nhận phát hành thành công.

Quyết định 296/QĐ-TANDTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2022.

5. Điều kiện cấp và thu hồi chứng chỉ đào tạo trong Quân đội

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư 63/2022/TT-BQP quy định về chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trong nhà trường Quân đội. Trong đó quy định 

- Điều kiện cấp chứng chỉ đào tạo trong trường Quân đội:

Căn cứ Điều 9 Thông tư 63/2022/TT-BQP quy định về điều kiện cấp chứng chỉ như sau:

Chứng chỉ được cấp sau khi học viên đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo quy định và có quyết định công nhận tốt nghiệp của cấp có thẩm quyền.

Thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ đào tạo trong trường Quân đội: 

Tại Điều 17 Thông tư 63/2022/TT-BQP quy định chứng chỉ bị thu hồi và hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

- Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi tốt nghiệp hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp chứng chỉ.

- Cấp cho người không đủ điều kiện.

- Do người không có thẩm quyền cấp.

- Bị tẩy xóa, sửa chữa.

- Để cho người khác sử dụng.

- Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ.

Lưu ý: Việc thu hồi, hủy bỏ chứng chỉ phải được tiến hành bằng quyết định thu hồi và hủy bỏ chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ.

Quyết định được gửi đến người bị thu hồi chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người bị thu hồi chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thông tư 63/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 15/11/2022 và thay thế Thông tư 28/2012/TT-BQP, Thông tư 29/2012/TT-BQP và Thông tư 31/2012/TT-BQP.

Xem thêm một số chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 11 tại đây.

  •  273
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…