DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhu cầu thực tế về luật hộ tịch

Xét từ phương diện khoa học quản lý nhà nước thì quản lý hộ tịch có vị trí trung tâm của hoạt động quản lý dân cư. Đây là lĩnh vực trọng yếu của nền hành chính mà mọi quốc gia hiện đại, không phân biệt chế độ chính trị và trình độ phát triển, đều phải quan tâm. Sự vững mạnh của một quốc gia liên quan mật thiết với hiệu quả của hoạt động quản lý dân cư nói chung và quản lý hộ tịch nói riêng.

Từ nhu cầu của khoa học lập pháp

Xét từ phương diện khoa học quản lý nhà nước thì quản lý hộ tịch có vị trí trung tâm của hoạt động quản lý dân cư. Đây là lĩnh vực trọng yếu của nền hành chính mà mọi quốc gia hiện đại, không phân biệt chế độ chính trị và trình độ phát triển, đều phải quan tâm. Sự vững mạnh của một quốc gia liên quan mật thiết với hiệu quả của hoạt động quản lý dân cư nói chung và quản lý hộ tịch nói riêng. Có thể khẳng định rằng, các vấn đề pháp lý về quản lý hộ tịch có tầm quan trọng tương tự như các vấn đề pháp lý về quốc tịch, về biên giới quốc gia, về tổ chức bộ máy nhà nước... Vì vậy, quản lý hộ tịch phải được điều chỉnh bằng một đạo luật do Quốc hội ban hành. Trên thế giới, nhiều nước như Pháp, Đức, Nhật Bản...đều điều chỉnh vấn đề quản lý hộ tịch bằng văn bản pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành.

Luật hộ tịch là đạo luật trực tiếp liên quan đến phạm trù quyền con người, quyền công dân, thể hiện tập trung và sinh động mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Thông qua hoạt động quản lý hộ tịch có thể đánh giá việc thực hiện chức năng xã hội và bản chất dân chủ của nhà nước. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa đặt ra hai yêu cầu cơ bản đối với nhà nước: một là, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật thể hiện ý chí chung và bảo đảm đầy đủ các quyền công dân của nhân dân lao động; hai là, mở rộng dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ban hành Luật hộ tịch sẽ góp phần làm rõ bản chất dân chủ của nhà nước và pháp luật Việt Nam. Mặt khác, các quan hệ pháp luật về hộ tịch đã phát triển tương đối ổn định trong 60 năm qua và hiện nay trong thể chế kinh tế thị trường, nhiều vấn đề phức tạp về hộ tịch đã phát sinh vượt ra khỏi phạm vi điều chỉnh của văn bản dưới luật. Trong khi đó, Bộ luật dân sự năm 2005 không còn mục quy định về hộ tịch của cá nhân như trong Bộ luật dân sự năm 1995 nữa. Điều sửa đổi này là trả các quy định pháp luật về hộ tịch về đúng vị trí của nó là thuộc lĩnh vực pháp luật hành chính. Đây cũng là căn cứ để khẳng định sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật hộ tịch. ở đây cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, giữa pháp luật về quản lý hộ tịch với pháp luật dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình có mối quan hệ biện chứng giữa luật hình thức và luật nội dung, đòi hỏi phải có sự tương thích với nhau. Vì vậy, cùng với Bộ luật dân sự năm 2005, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, việc pháp điển hoá pháp luật hộ tịch, tập trung điều chỉnh các vấn đề pháp lý về thủ tục đăng ký hộ tịch, tổ chức quản lý hộ tịch... trong một đạo luật là cần thiết nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc ban hành Luật hộ tịch còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở chỗ, nó tạo cho mọi người dân những cơ hội ngang nhau trong việc thụ hưởng tốt nhất dịch vụ đăng ký hộ tịch trong một nền hành chính phục vụ. Luật hộ tịch không chỉ thiết lập các nguyên tắc cơ bản của hoạt động quản lý hộ tịch mà còn ấn định những cách thức, thủ tục để các cơ quan hành chính phục vụ quyền đăng ký hộ tịch của người dân, sẽ là biểu hiện cao độ của việc chăm lo chu đáo đến quyền lợi của người dân, sẽ loại trừ được những nhũng nhiễu mang tính ban phát, tiêu cực trong đăng ký hộ tịch (đặc biệt là đăng ký hộ khẩu) hiện nay. Pháp điển hoá Luật hộ tịch sẽ nâng tầm công tác quản lý hộ tịch hiện nay theo hướng hiện đại, góp phần giải quyết một cách toàn diện các vấn đề cơ bản của hoạt động quản lý hộ tịch như: phương thức quản lý hộ tịch và việc ứng dụng công nghệ thông tin, xác lập hệ thống dữ liệu thông tin hộ tịch; hệ thống tổ chức quản lý hộ tịch; cơ chế quản lý, khai thác dữ liệu thông tin về hộ tịch phục vụ cho hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc ban hành Luật hộ tịch sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp hoá.

Pháp điển hoá pháp luật về hộ tịch góp phần hoàn thiện hoạt động quản lý dân cư của nhà nước theo hướng chuyển từ cơ chế quản lý phân lập thành ba lĩnh vực hộ tịch, hộ khẩu và dân số hiện nay sang cơ chế quản lý dân cư tích hợp thống nhất cả ba lĩnh vực trên.

Đến nhu cầu của thực tiễn

Trong thực tiễn có nhiều vấn đề đòi hỏi phải hoàn thiện công tác pháp điển hoá pháp luật về hộ tịch. Nhân đây, chúng tôi chỉ nêu một việc nhỏ: khai như thế nào trong giấy khai sinh?

Trong số các loại giấy tờ tuỳ thân, giấy khai sinh là loại giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sớm nhất cho một con người. Trong điểm 2 Điều 5 Nghị định số158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, có hiệu lực từ 01/4/2006, khẳng định: "Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó". Như vậy, đối với một con người, khi có Giấy khai sinh - hộ tịch gốc - người đó đã là một công dân có đủ mọi quyền và nghĩa vụ theo pháp luật đối với nhà nước và xã hội. Tuy vậy, việc ghi những gì trong Giấykhai sinh lại là câuchuyện đáng bàn và nên được bàn cho thấu đáo, vì tất cả mọi thông số liên quan đến cuộc đời của một công dân, luôn bắt đầutừ hộ tịch gốc này

Nghị định 158 đã quy định đầy đủ, chi tiết và ưu việt hơn trong việc khai sinh cho trẻ. Thẩm quyền cấp giấy khai sinh thuộc của UBND cấp xã, nơi cư trú của người mẹ; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ, thì UBND cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh. Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày sinh con, cha mẹ hoặc người thân có trách nhiệm đi khai sinh cho con (nghị định cũ quy định thời hạn này là 30 ngày). Người đi đăng ký khai sinh phải nộp giấy chứng sinh và xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em. Giấy chứng sinh do cơ sở y tế - nơi trẻ em được sinh ra cấp; nếu trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của ngươì làm chứng. Tuy nhiên, đối với trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế và không người làm chứng thì không đòi hỏi nhất thiết phải có giấy chứng sinh hoặc văn bản xác nhận của người làm chứng mà chỉ cần làm giấy cam đoan về việc sinh là có thật. So với quy định trước đây, khi làm khai sinh đã giảm bớt những yêu cầu về sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú của người mẹ, đồng thời giảm bớt các điều kiện đối với người làm chứng cho việc sinh trẻ em. Nếu quá thời hạn 60 ngày, giấy khai sinh cũng vẫn được cấp nhưng ghi rõ trong sổ khai sinh là "đăng ký quá hạn". Trường hợp bản chính bị mất, hư hỏng hoặc phải ghi chú quá nhiều sẽ được cấp lại bản chính giấy khai sinh, nếu sổ đăng ký khai sinh còn lưu trữ được và sẽ do UBND cấp huyện thực hiện.

Tuy nhiên trong Nghị định còn nhiều điều ghi chưa cụ thể mà lẽ ra, các vấn đề này có thể làm được ngay. Ví dụ, việc xác định dân tộc cho trẻ buộc phải theo dân tộc của bố hay mẹ; việc ghi quê quán của trẻ là theo quê ông nội hay theo nơi thường trú của bố, mẹ hoặc ghi theo nơi sinh của bố; nơi sinh ghi là tỉnh, thành phố đứa trẻ sinh ra hay ghi tên bệnh viện... Điều này cũng gây ra những bất cập khi áp dụng mà ý kiến xin nêu dưới đây là một ví dụ.

Từ trước tới nay, pháp luật về hộ tịch quy định nguyên quán của một con người phải ghi theo nơi sinh của cha. Trên thực tế, đây cũng là vấn đề đáng bàn vì ngoài quy định hiện hành trên còn có thêm hai ý kiến là nguyên quán của một con người phải ghi theo "quê quán gốc" hoặc ghi theo nơi thường trú. Xem ra ý kiến nào cũng có cái lý của nó.

Theo Từ điển Tiếng Việt năm 2002 (do Hoàng Phê chủ biên) thì nguyên quán là "Quê quán gốc" (trang 694) và quê quán là "Quê, về mặt là nơi gốc rễ của gia đình, dòng họ" (trang 810). Như vậy, theo cách giải nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt thì nguyên quán của đứa trẻ phải ghi là Nam Đàn, Nghệ An. Chắc chắn dòng họ nhà tôi hài lòng. Quê cha đất tổ là nơi sinh sống của nhiều thế hệ, là nơi phát tích của một dòng họ cần được lưu truyền bằng cách ghi vào mục nguyên quán trong giấy khai sinh của mỗi người.

Có ý kiến cho rằng kể từ khi nhà nước thực hiện chính sách kế hoạch hoá gia đình, trong dòng họ người Việt không còn nhiều chi, nhiều nhánh nữa. Mỗi gia đình thường chỉ có một con trai và nếu người con trai đó lớn lên rời quê đi sinh sống ở nơi khác, thì các thế hệ tiếp theo khó mà quay trở lại quê cha đất tổ. Vì vậy, mục nguyên quán trong giấy khai sinh của mỗi người cần ghi theo nơi sinh của người cha để dễ thực hiện việc quản lý nhà nước. Nghe thì thấy có lý nhưng suy nghĩ kỹ tôi vẫn cho rằng không nên ghi theo nơi sinh vì nhiều người cha sinh ra một nơi nhưng sống và làm việc lâu dài ở nơi khác. Trường hợp này có thể ghi theo nơi thường trú của người cha. Trước sau tôi vẫn cho rằng mục nguyên quán nên ghi theo quê cha đất tổ lâu đời. Điều này sẽ thuận lợi cho việc truy tìm và lưu giữ gia phả của mỗi dòng họ - một nhu cầu tinh thần thiêng liêng mang tính truyền thống của người Việt.

Thiết nghĩ, trong các Nghị định (là văn bản dưới luật) nên có quy định cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất. Nên tránh tình trạng văn bản dưới luật lại phải chờ văn bản hướng dẫn nữa rồi mới thực hiện được. Cần thiết hơn, là việc pháp điển hoá Luật về hộ tịch, để công tác quản lý và thực hiện các thủ tục này trở nên thống nhất, rành rẽ.

  •  17005
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…