DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhiều người đại diện theo pháp luật: Thuận lợi hay khó khăn?

>>> Luật Doanh nghiệp 2014 - Công ty có thể có nhiều Người đại diện theo pháp luật

Về khái niệm người đại diện theo pháp luật, khoản 1 và khoản 2, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Như vậy, theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật (NĐDTPL), tùy theo nhu cầu kinh doanh mà doanh nghiệp có thể quyết định số lượng NĐDTPL.

Qua thời gian thực hiện theo Luật Doanh nghiệp 2014 thì việc quy định có nhiều hơn một NĐDTPL như vậy đã tạo ra được những thuận lợi nhất định cho doanh nghiệp, đồng thời việc này cũng dẫn đến một số khó khăn.

1. Ưu điểm và thuận lợi

- Đảm bảo giải quyết các nhu cầu công việc một cách nhanh nhất

+ Nếu chỉ có một người đại diện theo pháp luật như quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 trong trường hợp người đại diện theo pháp luật đó bị tạm giữ thì việc thực hiện các giao dịch sẽ bị tạm hoãn, hoặc phải đợi thời gian ủy quyền cho người khác.

+ Với quy định mới này giúp tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề của công ty. Khi một người đại diện theo pháp luật không có mặt ở Việt Nam hoặc không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ thay mặt cho doanh nghiệp thì sẽ có người khác thực hiện thay.

+ Có nhiều NĐDTPL giúp những doanh nghiệp lớn có thể tận dụng được mọi thời cơ. Với những doanh nghiệp có sự phân chia nhiều mảng kinh doanh đồng thời cần người hiện diện ở nhiều quốc gia ở một thời điểm thì đây là một điều rất cần thiết.

- Có nhiều người đại diện theo pháp luật sẽ giúp phân quyền quản lý và quyết định các vấn đề thường trực của công ty.

+ Trong trường hợp người đại diện duy nhất của doanh nghiệp bất hợp tác, không thực hiện đúng đủ hoặc sai các yêu cầu của thành viên/cổ đông trong quá trình quản lý điều hành doanh nghiệp trong nội bộ cũng như giao dịch với bên ngoài công ty. Bằng cách có nhiều hơn 1 người đại diện, sự lạm quyền, bất hợp tác như đã nói trên sẽ được giảm thiểu.

2. Hạn chế và bất lợi

- Gây khó khăn cho khách trong việc xác định thẩm quyền của NĐDTPL

+ Việc phân chia quyền của từng NĐDTPL vừa là thuận lợi, lại vừa là điểm hạn chế của quy định.

+ Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không ghi nhận phạm vi được đại diện và các thông tin về chức danh quản lý, quyền hạn, nghĩa vụ của từng người đại diện. Quyền hạn và nghĩa vụ của NĐDTPL chỉ được quy định trong Điều lệ công ty nhưng Điều lệ công ty không phải lúc nào cũng được thông báo công khai.

+ Nếu xảy ra tình trạng một NĐDTPL ký văn bản với nội dung A, gửi cho các bên có liên quan và cả cơ quan quản lý; ngày mai, người đại diện theo pháp luật khác gửi một văn bản với nội dung hoàn toàn trái ngược, thì các bên sẽ biết tin ai?

- Tạo ra tâm lý e ngại khi khách hàng giao dịch với công ty có nhiều NĐDTPL

+ Chính việc có nhiều NĐDTPL làm cho khách hàng gặp khó khăn trong việc giao dịch và ký kết hợp đồng. Khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp đối tác luôn trong tâm trạng thắc mắc là người làm việc, ký kết hợp đồng với mình có phải là người đại diện theo pháp luật không? Người đó có thẩm quyền ký kết hợp đồng với mình theo điều lệ của công ty hay không?

+ Nếu khách hàng không xem xét kỹ Điều lệ công ty trước khi xác lập giao dịch, thì có thể giao dịch với người không có thẩm quyền đại diện hoặc khi thông tin về việc phân công trách nhiệm chỉ giới hạn trong nội bộ doanh nghiệp có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu và xảy ra các tranh chấp gây ảnh hưởng cho cả khách hàng và công ty.

+ Nếu khách hàng đòi hỏi người ký kết hợp đồng với mình phải chứng minh thẩm quyền ký kết cũng như chứng minh mình là người đại diện theo pháp luật của công ty sẽ gây nên những phiền hà, khó khăn cho người đại diện.

Mỗi quy định mới được ban hành thì có thể mang đến những thuận lợi nhất định, đồng thời khó tránh khỏi mang lại một số khó khăn, quan trọng là chúng ta áp dụng như thế nào. Vì thế một lưu ý khi giao dịch với công ty có nhiều NĐDTPL là nên chủ động tìm hiểu điều lệ của công ty bên kia để xác định rõ phạm vi quyền đại diện của NĐDTPL của công ty mình đang giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính mình.

  •  13276
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…