DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Mức xử phạt cho hành vi đánh bạc qua mạng Internet

Mới đây, trên các diễn đàn hàng loạt đưa tin về vụ việc triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet dưới hình thức cá độ bóng đá. Trong đó, bắt được nhiều đối tượng có lịch sử cá độ lên đến hàng triệu USD trong vòng chưa đầy 4 tháng.  Vậy đánh bạc qua Internet là gì và mức phạt cho hành vi này được pháp luật quy định như thế nào?

Khái niệm đánh bạc

Đánh bạc là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự thắng thua kèm theo việc được hoặc mất lợi ích về vật chất đáng kể (tiền, hiện vật).

Tiền có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ; hiện vật có thể là tài sản, như: ô tô, xe máy,…

Tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc là những thứ có thể thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc, trong người đánh bạc hoặc nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.

Các hình thức đánh bạc

Hình thức đánh bạc rất đa dạng, phong phú và được thực hiện với thủ đoạn tinh vi, ngụy trang trá hình dưới nhiều dạng khác nhau.

Ngoài những hình thức đánh bạc truyền thống như: chơi bài, chơi lô đề, chọi gà…thì tội phạm đánh bạc còn lợi dụng những tiện ích của mạng Internet để tổ chức đánh bạc dưới nhiều hình thức khác nhau.

Hiện nay, tình trạng cá độ bóng đá qua mạng Internet diễn ra khá phức tạp. Tình trạng đánh bạc trực tuyến dưới vỏ bọc là các ứng dụng trò chơi game online có đổi thưởng từ tiền ảo sang tiền thật và ngược lại cũng là một trong những hình thức đánh bạc xuất hiện nhiều trong thời gian qua.

Đánh bạc qua Internet là việc các đối tượng nạp tiền vào game trực tuyến bằng bất cứ hình thức nào và thực hiện việc đánh, thu tiền ảo về thông qua những trò chơi đó. Hoặc vẫn là hành vi đánh bạc thông thường nhưng sử dụng mạng online để đánh bạc và có việc sử dụng tiền để đánh bạc thông thường đó.

danh-bac-qua-internet

Mức xử phạt đối với tội đánh bạc

Căn cứ tại Khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, bổ sung Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đối với một số trường hợp tại Điều này, có thể phạt tù lên đến 07 năm và bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Có thể thấy, nếu một người đánh bạc trái phép với giá trị tài sản đánh bạc là từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu đánh bạc với giá trị tài sản là dưới 5.000.000 đồng thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính, với mức phạt được quy định cho Hành vi đánh bạc trái phép tại Điều 28 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình

Mức xử phạt đối với tội đánh bạc qua mạng Internet

Theo quy định tại Công văn 196/TANDTC-PC ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng điểm c khoản 2 Điều 321 (Tội Đánh bạc) và điểm c khoản 2 Điều 322 (Tội Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) của Bộ luật Hình sự thì:

Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 (Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc) được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc).


Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber.... để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 và điểm c khoản 2 Điều 322 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017.

Theo đó, quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 321 BLHS 2015 quy định phạm tội thuộc trường hợp sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Nếu phạm tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” tại điểm c khoản 2 Điều 322 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 121 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017. Thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm và có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Do đó, để phòng ngừa tệ nạn này, cần đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật liên quan như Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi đánh bạc qua mạng, có hiệu lực ngày 15/4/2020.

  •  2094
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…