DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Mức giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân

Nhằm đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống của người nộp thuế và gia đình họ, pháp luật đã quy định cụ thể những trường hợp mà người nộp thuế được giảm trừ một phần thu nhập từ kinh doanh, tiền công, tiền lương dùng để tính thuế.  

Mức giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân

Mức giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân - Minh họa

1. Giảm trừ gia cảnh

Khoản 1 Điều 19 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) và Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với thu nhập từ kinh doanh tiền lương, tiền công như sau:

- 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với người nộp thuế, so với quy định cũ chỉ là 09 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);

- 4,4 triệu đồng/tháng (52,8 triệu đồng năm) đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế.

Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người phụ thuộc là đối tượng người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:

(1) Con dưới 18 tuổi hoặc bị khuyết tật, không có khả năng lao động; 

(2) Con đang theo học tại đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, hoặc từ 18 tuổi trở lên đang học phổ thông (tính cả thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12).

(3) Vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp.

(4) Người không nơi nương tựa như: anh, chị, em ruột; ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô, dì, cậu, chú, bác ruột, cháu ruột… 

Các đối tượng thuộc trường hợp (2), (3), (4) phải Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân hàng tháng trong năm không vượt quá 1.000.000 đồng. 

Riêng trường hợp (3) và (4), nếu nằm trong độ tuổi lao động thì phải đáp ứng thêm điều kiện là bị khuyết tật hoặc không có khả năng lao động. 

Chú ý, khoản 3 Điều 19 Luật thuế TNCN chỉ rõ mỗi người phụ thuộc chỉ được tính cho một người nộp thuế. Chẳng hạn, một gia đình gồm 02 cha, mẹ đang nuôi 02 con học đại học thì mỗi cha, mẹ chỉ được kê khai 01 con làm người phụ thuộc. Hoặc cả hai con được khai giảm trừ cho duy nhất cha hoặc mẹ.

2. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo

Điều 20 Luật thuế TNCN quy định những khoản đóng góp vào những nơi sau đây sẽ được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, tiền lương, tiền công:

- Tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP, Nghị định 81/2012/NĐ-CPNghị định 109/2002/NĐ-CP.

- Quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được tổ chức và thành lập theo Nghị định 30/2012/NĐ-CP.

Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo phát sinh vào năm nào chỉ được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó, tuyệt đối không cấn trừ sang năm tiếp theo. 

3. Giam trừ các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các khoản đóng bảo hiểm được giảm trừ bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề nhất định, đơn cử như nghề luật sư (theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Luật luật sư 2006). 

Mức đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập tính thuế tối đa không quá 01 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm).

4. Hồ sơ chứng minh mức giảm trừ

Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Cụ thể:

- Trường hợp giảm trừ gia cảnh thì tài liệu chứng minh sẽ có sự khác nhau tùy theo đối tượng phụ thuộc, đơn cử như:

+ Con dưới 18 tuổi chỉ cần bản chụp Giấy khai sinh và bản chụp CMND/CCCD (nếu có). Nếu con đang theo học tại đại học, cao đẳng, trường nghề  thì phải có thêm Bản chụp Thẻ sinh viên, bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc giấy tờ khác chứng minh đang theo học.

+ Đối với vợ, chồng cần bản chụp CMND/CCCD và bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

+ Đối với cha, mẹ thì cần có bản chụp CMND/CCCD; giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ nhân thân như bản chụp sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan có thẩm quyền.

- Tài liệu chứng minh đối với trường hợp quyền góp thiện nguyện bao gồm:

+ Chứng từ thu hợp pháp của chính tổ chức, cơ sở đối với khoản đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa. 

+ Chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp đối với khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, nhân đạo, khuyến học. 

- Trường hợp giảm trừ theo bảo hiểm cần có bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay). Còn với quỹ hưu trí là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cấp.

Cần lưu ý, giảm trừ thu nhập chịu thuế và giảm số thuế phải đóng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Theo đó, người muốn được giảm thuế phải gặp khó khăn do một trong những trường hợp dưới đây, làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và hoàn thành thủ tục xin được xét giảm:  

- Thiên tai;

- Hoả hoạn;

- Tai nạn;

- Bệnh hiểm nghèo.

Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại để giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại, sau khi trừ đi các khoản bồi thường nhận được từ tổ chức bảo hiểm hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn.

  •  1595
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…