DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Lưu ý: Sử dụng bếp gas mini an toàn, phòng chống cháy, nổ trong sinh viên

Dùng bếp gas mini nấu ăn luôn là lựa chọn hàng đầu của các bạn sinh viên vì giá thành rẻ, tiện lợi và đặc biệt là không chiếm quá nhiều diện tích nếu ở phòng trọ không mấy rộng rãi.

Tuy nhiên, bếp gas mini mang lại nhiều rủi ro, thậm chí gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dùng nếu bạn mua và sử dụng không đúng cách.

Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này!

Bản chất của khí gas

Đầu tiên bạn cần hiểu là bản chất khí gas không gây cháy nổ. Khi khí gas bị rò rỉ ra ngoài kết hợp với oxy trong không khí sẽ tạo thành hỗn hợp cháy, gây ảnh hưởng và nguy hiểm cao đến tính mạng con người.

Chỉ cần gặp nhiệt độ cao hoặc có tia lửa phát ra từ các vật dụng như: Công tắc đèn, hộp quẹt,... thì nguy cơ cháy nổ lớn cũng rất dễ xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến nổ bình gas

Có 4 nguyên nhân thường thấy dễ dẫn đến các vụ nổ gas:

1) Dây dẫn nối bình gas với bếp bị rò rỉ 

Sau một thời gian sử dụng các dây dẫn nối bình gas với bếp gas có thể bị cũ và bị nứt, hở hoặc do bị gập xoắn, chuột cắn dẫn đến tình trạng rò rỉ khí gas ra ngoài.

Đây được xem là nguyên nhân dễ gây ra cháy nổ gas nhất. Vì thế, để đảm bảo an toàn, nên mua dây dẫn chính hãng và thường xuyên kiểm tra dây dẫn trước khi nấu.

2) Không khóa gas sau khi đun nấu hoặc khóa sai quy trình

Nhiều người có thói quen tắt bếp rồi mới khóa van bình gas, khiến cho gas vẫn còn trong đường ống dẫn mà không hề hay biết. Hay có trường hợp chỉ khóa bình gas mà bỏ qua bước tắt bếp, nếu không khóa kỹ sẽ dẫn đến gas bị rò rỉ ra ngoài.

Có trường hợp không chú ý đến bếp khi đun nấu để dẫn đến nồi bị cháy khét, để gió tạt hoặc nước trào xuống bếp gây tắt lửa, trong khi gas xì ra liên tục mà không được đốt cháy cũng gây nguy hiểm.

3) Không chú ý tới bếp gas khi nấu ăn

Đun nấu bằng bếp gas nên tránh gió thổi trực tiếp vào bếp. Không để giấy tờ, giẻ bắc nồi, chai nhựa cạnh bếp để tránh bị bắt lửa. Tuyệt đối không để thuốc diệt côn trùng gần ngọn lửa, không được xịt thuốc dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy.

Một lỗi bất cẩn từ người sử dụng nữa là không chú ý đến bếp khi đun nấu. Nhiều trường hợp quên bếp đang đun, dẫn đến nồi bị cháy khét, để gió tạt hoặc nước trào xuống bếp gây tắt lửa, trong khi gas vẫn bơm ra liên tục mà không được đốt cháy.

Để đảm bảo an toàn, nên đặt bình gas cách bếp tối thiểu 1 - 1.5 m, ở chỗ thoáng để dễ ngửi được mùi khi có rò rỉ. Không để các vật dụng dễ bắt lửa gần bếp gas, và khi nấu ăn nên chú ý thường xuyên tới bếp để tránh tình trạng lửa bị tắt đột ngột, rò rỉ gas ra ngoài.

4) Bình gas, bếp gas cũ, kém chất lượng

Việc nổ gas do bình hiếm xảy ra, trừ trường hợp bình gas bị sang chiết trái phép, không đảm bảo chất lượng, bình đã quá hạn sử dụng nhưng không được thu hồi về nhà sản xuất mà vẫn quay vòng. Nổ gas do bếp cũng ít xảy ra, những việc đun nấu bằng các bếp đã cũ, hoen rỉ, bếp để bẩn, mâm chia lửa sai khớp... cũng dễ dẫn đến rò rỉ gas, gây nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn, người dân nên mua bình gas, bếp gas mới với các thương hiệu uy tín và nổi tiếng. Vệ sinh bếp gas sạch sẽ, thường xuyên sẽ giúp tiết kiệm gas và phát hiện các trục trặc nếu có.

Mức xử phạt vi phạm hành chính khi để xảy ra cháy, nổ là bao nhiêu?

Đối với mức xử phạt hành chính khi để xảy ra cháy, nổ thì tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cụ thể như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;

+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

Biện pháp khắc phục hậu quả 

Căn cứ tại Khoản 5 Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi để xảy ra cháy, nổ cụ thể rằng Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi vi phạm sau:

+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;

+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 (Điều này được sửa đổi bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy cụ thể như sau:

- Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.

Ngoài ra, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 BLHS 2015 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Theo đó. người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm.

  •  691
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…