Tình trạng người dân chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra giấy tờ của cảnh sát giao thông ngày càng diễn ra nhiều. Vì nhiều nguyên nhân mà tình trạng này chưa có dấu hiệu giảm. Một trong những nguyên nhân đó là mọi người chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi đó. Với hành vi này, người vi phạm có thể bị xử lý rất nặng, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257, một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính.

Trong trường hợp người dân khi điều khiển phương tiện giao thông, nếu cảnh sát giao thông khi thấy có vi phạm Luật giao thông đường bộ, yêu cầu dừng xe, kiểm tra, lập biên bản thì chủ vị xử lý hành chính theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nến người đó không dừng xe, có hành vi chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh thì trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ví dụ là vừa qua, tại Thành phố Biên Hòa,  tỉnh Đồng Nai xảy ra vụ việc một thiếu tá CSGT bám vào gương chiếu hậu bên trái xe tải yêu cầu dừng lại thì trượt ngã và bị bánh sau xe tải trên cán lên người tử vong tại chỗ. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố tài xế xe tải về tội chống người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, tùy vào từng hành vi, mức độ nghiêm trọng mà người vi phạm có thể  xét xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Đối với việc xử phạt hành chính thì theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 167/2013/NĐ-CPPhạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.

Nếu hành vi ở mức độ nghiêm trọng như vụ ở Thành phố Biên Hòa thì người đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi này đã đủ cấu thành tội phạm. Cụ thể theo Khoản 1 Điều 257 thì “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc  họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng  đến  ba năm”.

Khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Đối tượng tác động của tội phạm này là người thi hành công vụ, thông qua việc xâm phạm đến người thi hành công vụ mà xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ công.

Người thi hành công vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao một nhiệm vụ và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ. Người đang thi hành công vụ là người đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chưa kết thúc, nếu chưa bắt đầu hoặc đã kết thúc nhiệm vụ mà bị xâm phạm thì không thuộc trường hợp chống người thi hành công vụ, mà tuỳ trường hợp cụ thể để xác định một tội phạm khác có tình tiết vì lý do công vụ của nạn nhân. Người đang thi hành công vụ phải là người thi hành một công vụ hợp pháp, mọi thủ tục, trình tự thi hành phải bảo đảm đúng pháp luật. Trong trường hợp này, cảnh sát giao thông chính là người đang thi hành công vụ.

Người phạm tội chống người thi hành công vụ có thể thực hiện một trong các hành vi khách quan như: dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ… Với hành vì chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe, có thể như có hiệu lệnh dừng xe mà vẫn đâm thẳng cảnh sát giao thông cũng được coi là dùng vũ lực đối với với người thi hành công vụ.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi khách quan là tội phạm đã hoàn thành. Nhiệm vụ có thể vẫn được thực hiện, mặc dù người phạm tội đã thực hiện hành vi dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; đe doạ dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; dùng thủ đoạn cản trở người thi hành công vụ hoặc dùng thủ đoạn ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, về đường lối xử lý thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp do có hành vi chống người thi hành công vụ mà dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ bị gián đoạn hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Qua sự phân tích trên thì người dân cần ý thức rõ hành vi không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông có thể gây hậu quả nghiêm trọng như nào, từ đó, có ý thức hơn trong việc tuân thủ Luật giao thông đường bộ.