DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Không dán nhãn phụ cho hàng hóa nhập khẩu bị xử lý như thế nào?

1. Nhãn phụ là gì?

Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa (căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP). Trong đó:

- Nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa;

- Nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.

2. Hàng hóa bắt buộc phải dán nhãn phụ trong trường hợp nào?

Nhãn phụ bắt buộc phải có khi nhãn gốc của hàng hóa được thể hiện bằng tiếng nước ngoài, bao gồm hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp sau:

(1) Hàng hóa không bắt buộc dán nhãn hàng hóa (căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) bao gồm:

- Bất động sản;

- Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba;

- Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển;

- Hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá;

- Hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

- Hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh), vật liệu xây dựng không có bao bì và được bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

- Hàng hóa là xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi tec;

- Hàng hóa đã qua sử dụng;

- Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không.

(2) Hàng hóa không phải ghi nhãn phụ (căn cứ khoản 5 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ-CP) bao gồm:

- Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường;

- Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

3. Không dán nhãn phụ cho hàng hóa nhập khẩu bị xử lý như thế nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 3 và điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 48, 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP), hành vi nhập khẩu, vận chuyển, lưu giữ, buôn bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt (trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan) bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

- Phạt tiền với các mức như sau:

Giá trị của hàng hóa vi phạm

Mức phạt đối với tổ chức

Mức phạt đối với cá nhân

Dưới 5.000.000 đồng

Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng

Từ 250.000 đồng đến 500.000 đồng

Từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng

Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng

Từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng

Từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng

Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng

Từ 1.500.000 đồng đến 3.500.000 đồng

Từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng

Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Từ 3.500.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng

Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

Từ 5.000.000 đồng đến 7.500.000 đồng

Từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng

Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Từ 7.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng

Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng

Từ 10.000.000 đồng đến 12.500.000 đồng

Từ 100.000.000 đồng trở lên

Từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

Từ 12.500.000 đồng đến 15.000.000 đồng

 

Lưu ý: mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần nếu hàng hóa vi phạm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng (trừ trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng sẽ vẫn giữ nguyên mức mức phạt).

- Biện pháp khắc phục hậu quả (căn cứ khoản 54 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP):

+ Thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;

+ Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.

Trên đây là toàn bộ thông tin về việc xử lý đối với việc không dán nhãn phụ cho hàng hóa nhập khẩu.

  •  425
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…