DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Khi nào Doanh nghiệp có nhiều hơn 1 GCN đăng ký DN? Trong đó GCN nào sẽ có giá trị pháp lý?

Có nhiều hơn một giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Minh họa

Có nhiều hơn một giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp - Minh họa

Nhiều người thắc mắc tại sao có trường hợp một doanh nghiệp lại có nhiều hơn một Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, liệu đây có phải một hành vi trái pháp luật với mục đích lừa đảo hay không? Tuy nhiên, pháp luật có quy định rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến tình huống này!

Vì sao một doanh nghiệp lại nhiều GCN đăng ký DN?

Trên thực tế, một doanh nghiệp không phải lúc nào cũng chỉ có 1 giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 28 Luật doanh nghiệp 2020, nội dung của GCN đăng ký doanh nghiệp gồm những thông tin chính sau đây:

1. Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp;

2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

3. Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh; đối với chủ doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân.

Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn;

4. Vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.

Sau đó, nếu trong quá trình hoạt động, một trong những thông tin này có sự thay đổi, Doanh nghiệp có trách nhiệm như sau:

“1. Doanh nghiệp phải đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Luật này.

2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi..

…”

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định cụ thể về các trường hợp đăng ký thay đổi các thông tin kể trên, quy định từ các điều Điều 47 đến Điều 55, Điều 61 đến Điều 64.

Chẳng hạn, đối với trường hợp thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, Điều 47 Nghị định này có quy định:

“2. Trường hợp chuyển địa chỉ trụ sở chính, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở mới. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

a) Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

b) Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.”

Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp sau khi tiếp nhận hồ sơ. Lúc này, có thể thấy vì trong hồ sơ đăng ký thay đổi không hề có quy định phải nộp lại GCN đã được cấp ban đầu. Đây là lý do có trường hợp một doanh nghiệp có nhiều hơn 1 GCN đăng ký DN.

Tương tự trường hợp kể trên, khi thay đổi các thông tin khác trong GCN đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ cũng không bao gồm GCN được cấp lần trước đó!

Giấy nào sẽ có hiệu lực?

Để trả lời cho câu hỏi này, Khoản 4 Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP có quy định như sau:

“4. Trường hợp doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các lần trước đó không còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, quy định về việc thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp cũng không có trường hợp thu hồi do được cấp mới GCN đăng ký doanh nghiệp, cụ thể theo Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020,  Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:

- Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

- Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này thành lập;

- Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

- Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

- Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

Như vậy, trường hợp một doanh nghiệp có nhiều hơn 1 GCN đăng ký doanh nghiệp không phải là hành vi trái pháp luật, lúc này muốn biết GCN nào có giá trị pháp lý, ta cần căn cứ vào thời điểm cấp GCN, trong đó giấy được cấp sau cùng sẽ có hiệu lực khi làm việc với các cơ quan nhà nước, giao dịch!

  •  1510
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…