DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Khác biệt giữa KHIẾU NẠI và KHỞI KIỆN hành chính

Khác biệt giữa KHIẾU NẠI và KHỞI KIỆN hành chính

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì công dân có thể lựa chọn khiếu nại hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó. Thực tế, không ít người vẫn thường hay nhầm lẫn khiếu nại và khởi kiện hành chính cùng là một. Tuy nhiên, đây là 02 phương thức hoàn toàn khác biệt. Bài viết sẽ phân tích một số điểm khác nhau cơ bản giữ khiếu nại hành chính và khởi kiện hành chính dưới dạng bảng thống kê để các bạn có thể nắm bắt dễ dàng hơn và phân biệt được hai cách thức giải quyết này.

TIÊU CHÍ

KHIẾU NẠI

KHỞI KIỆN HÀNH CHÍNH

Pháp luật điều chỉnh

Luật Khiếu nại 2011

Luật Tố tụng hành chính 2015

Khái niệm

Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Không có văn bản pháp lý nào định nghĩa về khái niệm “khởi kiện hành chính”. Tuy nhiên, tóm lại về bản chất thì chúng ta có thể hiểu khiếu kiện - khởi kiện là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện về “quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri)” ra Tòa án có thẩm quyền khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm trực tiếp bởi các loại đối tượng hành chính trên (quyết định hành chính, hành vi hành chính,…)

Đối tượng khiếu nại/khởi kiện

Gồm 03 đối tượng:

- Quyết định hành chính;

- Hành vi hành chính;

- Quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

Gồm 05 đối tượng:

- Quyết định hành chính;

- Hành vi hành chính;

- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

- Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri).

Chủ thể

- Người khiếu nại;

- Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại;

- Người bị khiếu nại;

- Người giải quyết khiếu nại;

- Người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

- Người khởi kiện;

- Người bị kiện;

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

- Tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Hình thức tiến hành

 Việc khiếu nại được thực hiện bằng:

1. Khiếu nại trực tiếp: người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản

2. Hoặc đơn khiếu nại: Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.

Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong các phương thức sau đây:

1. Nộp trực tiếp tại Tòa án.

2. Gửi qua dịch vụ bưu chính.

3. Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Thời hiệu

Thời hiệu khiếu nại việc giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà có giấy tờ hợp lệ làm căn cứ để chứng minh, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

 

*Trường hợp chưa khiếu nại:

Thời hiệu khởi kiện đối với từng trường hợp được quy định như sau:

- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.

*Trường hợp khiếu nại trước khi khởi kiện:

- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

- 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Thẩm quyền giải quyết

Khiếu nại lần đầu:Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với mỗi quyết định hành chính, hành vi hành chính phụ thuộc vào chủ thể ban hành quyết định quyết định hành chính, hành vi hành chính đó.

Khiếu nại lần 2: Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh có thẩm quyền (xác định theo Điều 31-34 Luật Tố tụng hành chính 2015) sẽ tiến hành giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính.

Trình tự giải quyết

Bước 1: Thụ lý khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết.

 (Thông tư 02/2016/TT-TTCP)

Bước 2: Giải quyết khiếu nại lần đầu

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Bước 3: Khiếu nại lần 2 hoặc khởi kiện ra Tòa

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Bước 4: Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Bước1: Thụ lý đơn khởi kiện

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp biên lai cho Tòa án.

Thẩm phán thụ lý vụ án vào ngày người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

Bước 2: Chuẩn bị xét xử

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án, trừ vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, vụ án có yếu tố nước ngoài và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri được quy định như sau:

- 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.

- 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định giải quyết vụ việc cạnh tranh.

- Đối với khiếu kiện danh sách cử tri:  Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử.

Bước 3: Xét xử sơ thẩm;

Bước 4: Xét xử phúc thẩm (nếu có);

Bước 5: Giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có);

Bước 6: Thi hành quyết định, bản án của Tòa.

Các trường hợp KHÔNG được thụ lý giải quyết

Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:

1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:

1. Người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

2. Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ;

3. Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;

4. Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

5. Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

6. Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật này (đó là người khởi kiện lựa chọn giải quyết bằng khiếu nại trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khiếu kiện).

7. Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật này;

8. Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật này mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.

 

 

 

 

  •  59998
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…