DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hợp đồng ủy quyền có giá trị pháp lý bao lâu?

>>>Thời điểm nào Giấy ủy quyền có giá trị pháp lý?

>>>Trường hợp nào ủy quyền phải công chứng, chứng thực?

 

Đại diện theo ủy quyền là việc diễn ra rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Hiện nay, ủy quyền thường được thực hiện dưới hai hình thức là Hợp đồng ủy quyền hoặc Giấy ủy quyền. Trên phương diện pháp lý, theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng uỷ quyền được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong khi đó, pháp luật không có quy định về hình thức giấy ủy quyền.

Câu hỏi đặt ra, hợp đồng ủy quyền có giá trị trong bao lâu? Hay nói cách khác, hợp đồng ủy quyền có thời hạn thế nào? Mọi người cùng giải đáp thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé:

Theo Điều 563 Bộ luật dân sự 2015, thời hạn hợp đồng ủy quyền sẽ được xác định qua 03 trường hợp:

TH1: Do các bên thoả thuận.

TH2: Do pháp luật quy định. Lấy ví dụ đối với việc ủy quyền quản lý nhà ở, theo Điều 155 Luật Nhà ở 2014 có quy định:

Điều 155. Nội dung, phạm vi ủy quyền quản lý nhà ở

1. Ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý, sử dụng nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.

2. Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý, sử dụng nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền; nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền.

TH3: Nếu các bên không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Đối với trường hợp này, có một vấn đề đặt ra, đó là “ngày xác lập việc ủy quyền” được xác định như thế nào? Liệu đây là ngày các bên thống nhất thỏa thuận ủy quyền, hay ngày các bên ký vào hợp đồng ủy quyền, hay ngày được cơ quan chức năng xác nhận vào hợp đồng ủy quyền đó (đối với loại hợp đồng ủy quyền phải công chứng hoặc phải tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự theo luật định...)? Đây là dấu chấm hỏi lớn đặt ra khi mà pháp luật chưa có điều khoản nào quy định cụ thể các xác định. Do vậy, hiện nay việc áp dụng như thế nào là đúng vẫn đang còn tồn tại luồng quan điểm. Xong, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta nên chia ra 02 trường hợp riêng để xác định:

+ Đối với hợp đồng ủy quyền không cần qua thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền: ngày xác lập ủy quyền là ngày các bên tiến hành ký kết hợp đồng ủy quyền.

+ Đối với hợp đồng ủy quyền cần qua thủ tục xác nhận của cơ quan có thẩm quyền: ngày xác lập ủy quyền là ngày cơ quan chức năng xác nhận vào hợp đồng ủy quyền sẽ đảm bảo quyền lợi hơn hết cho các bên. Bởi với những trường hợp này, hợp đồng ủy quyền mới bắt đầu có giá trị pháp lý.

 

Nói thêm, trên thực tế có nhiều hợp đồng ủy quyền vẫn còn thời hạn nhưng buộc phải chấm dứt khi xảy ra một số tình huống luật định. Cụ thể, theo quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng ủy quyền có thể chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: hợp đồng đã được hoàn thành; theo thoả thuận của các bên; cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện; hợp đồng bị huỷ bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện; hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn; hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này (thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản); trường hợp khác do luật quy định.

Riêng đối với hợp đồng ủy quyền mà các bên đã thực hiện công chứng ở phòng công chứng/ văn phòng công chứng thì việc chấm dứt trước hạn phải tuân thủ các quy định tại Điều 51 Luật Công chứng 2014:

+ Việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

+ Việc công chứng hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành (công chứng được thực hiện ở văn phòng nào thì việc hủy bỏ cũng được thực hiện ở văn phòng đó).

Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch. Thủ tục công chứng văn bản hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch.

Tóm lại, đối với trường hợp các bên muốn hủy hợp đồng ủy quyền đã công chứng thì cần lập văn bản thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Văn bản này cũng được lập và công chứng tại cơ quan công chứng mà các bên đã thực hiện trước đây.

 

 

  •  18479
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…