DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hơn 10 triệu người sẽ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản

Khoảng 13 triệu người sẽ nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 10,5 triệu lao động trong doanh nghiệp nhận qua tài khoản ngân hàng.

Nhận hỗ trợ qua tài khoản do ảnh hưởng bởi Covid-19 - Minh họa

Nhận hỗ trợ qua tài khoản do ảnh hưởng bởi Covid-19 - Minh họa

Ngày 28/9, ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết trên 15 triệu người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Song gần 2 triệu lao động trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội không hưởng gói hỗ trợ lần này.

Với 13 triệu lao động được hưởng hỗ trợ từ 1,8 đến 3,3 triệu đồng, thông tin đã nằm sẵn trong hệ thống dữ liệu của Bảo hiểm xã hội. Cơ quan này sẽ tự xác định người hưởng thông qua mã số định danh tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đóng.

Người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp được chi trả qua tài khoản cá nhân. Lao động chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản. Bảo hiểm xã hội sẽ chuẩn bị sẵn thông tin liên quan như căn cước, số CMT và thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để người lao động đối soát. Việc này đảm bảo tính minh bạch, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt.

Người lao động không mở tài khoản ngân hàng, tiền mặt sẽ được chuyển về doanh nghiệp để tự chi trả. Song Bảo hiểm xã hội khuyến cáo các đơn vị, doanh nghiệp sớm mở tài khoản cho người lao động để nhận tiền nhanh nhất, chính xác, hạn chế đi lại.

2,5 triệu lao động ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng từ 1/1/2020 đến 30/9/2021 và đang bảo lưu thời gian đóng, không còn làm việc ở doanh nghiệp, đã về địa phương sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện tại nơi đó giải quyết thủ tục. Khi trực tiếp đến làm hồ sơ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ in sẵn thông tin, xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp, số tiền được hưởng, để người lao động đối chiếu dữ liệu.

Theo ông Sơn, để giải ngân xong gói an sinh trong vòng 1,5 tháng như tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cần một nền tảng dữ liệu thông tin lớn. Khó nhất là chi trả cho 2,5 triệu lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện tản mát về các địa phương sinh sống. Song hệ thống bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng nguồn lực con người lẫn kinh phí để triển khai chính sách từ 1/10 theo quy định.

Ngoài 13 triệu lao động, 380.000 doanh nghiệp cũng được hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong 12 tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ căn cứ vào dữ liệu có sẵn, hằng tháng in đối chiếu thanh toán số phải thu nộp để tự động trừ cho doanh nghiệp.

Tổng kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 38.000 tỷ đồng, gồm 30.000 tỷ đồng chi trả tiền mặt trực tiếp cho người lao động và 8.000 tỷ đồng thông qua giảm mức đóng cho doanh nghiệp. Theo ông Sơn, Quỹ hiện kết dư hơn 89.100 tỷ đồng, nên số kinh phí hỗ trợ không ảnh hưởng nhiều.

"Trước khi quyết định hỗ trợ, Quốc hội và Chính phủ đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối của quỹ trong dài hạn, đủ chi trả trong bối cảnh dịch phức tạp hiện nay", ông nói.

Ngày 24/9, Thường vụ Quốc hội quyết định ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Cùng ngày, Chính phủ ban hành nghị quyết quy định cụ thể các nhóm lao động, doanh nghiệp được hỗ trợ, bảo đảm nguyên tắc có đóng - có hưởng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng hướng dẫn cụ thể để trình Chính phủ ban hành theo hướng rút gọn thủ tục, xong trước 1/10 để triển khai hỗ trợ.

Hai nhóm lao động thụ hưởng, gồm người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người dừng do chấm dứt hợp đồng lao động từ 1/1/2020 đến 30/9, có thời gian đóng bảo lưu. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/10 đến 31/12.

Doanh nghiệp, đơn vị tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10 được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% trong 12 tháng, từ ngày 1/10/2021 đến hết 30/9/2022.

Gói an sinh không áp dụng cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và người lao động làm việc trong các đơn vị trên.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được thực hiện từ năm 2009, gồm các chế độ: Trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề và bảo hiểm y tế. Nguồn quỹ phần lớn đến từ khoản đóng góp của giới chủ doanh nghiệp và người lao động. Nhóm tham gia là lao động khu vực chính thức, có hợp đồng lao động.Từ năm 2009 đến 2020, số lao động tham gia, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm. Số kết dư quỹ tính đến cuối năm 2020 khoảng 89.100 tỷ đồng.

Hồng Chiêu

Theo VnExpress.

  •  319
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…