DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hết thời hiệu thì không được khởi kiện?

Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng hết thời hiệu khởi kiện thì sẽ mất quyền khởi kiện. Hoặc nếu vụ án có được thụ lý thì trước sau gì cũng bị đình chỉ. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, đấy là những quan niệm chưa chính xác.

Hết thời hiệu vẫn được khởi kiện

Hết thời hiệu vẫn được khởi kiện - Minh họa

1. Thời hiệu khởi kiện của một số loại tranh chấp dân sự

Căn cứ theo khoản 1 Điều 149 và Điều khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà người có quyền khởi kiện được yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích bị xâm phạm.

Theo Bộ luật này, thời hạn khởi kiện của một số loại tranh chấp được quy định như sau, kể từ thời điểm biết được quyền lợi chính đáng bị xâm phạm:

- 02 năm đối với yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn, đe dọa, lừa dối, cưỡng ép (khoản 1 Điều 132);

- 03 năm đối với tranh chấp hợp đồng (Điều 429);

- 03 năm đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 588);

- 30 năm đối với yêu cầu chia thừa kế bất động sản và 10 năm đối với động sản (khoản 1 Điều 623)...

Ngoài ra, cũng theo Bộ luật này, có nhiều vụ việc không bị hạn chế về thời hiệu khởi kiện, đơn cử như yêu cầu tuyên GDDS vô hiệu do giả tạo (khoản 3 Điều 132), yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, tranh chấp về đất đai (Điều 155)...

Cần lưu ý, khi xác định thời hiệu khởi kiện của một vụ án, cần xem xét toàn diện mọi yếu tố để áp dụng cho chính xác, chẳng hạn:

Đối với tranh chấp về hợp đồng cho vay có tính lãi. Chỉ tính thời hiệu 03 năm đối với yêu cầu trả tiền lãi, còn phần tiền gốc thuộc về quyền sở hữu của người khởi nên sẽ không áp dụng thời hiệu.

Hoặc, tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn áp dụng thời hiệu 03 năm, thay vì vô hạn. Bởi đây không phải là tranh chấp đất đai, mà chỉ là tranh chấp hợp đồng dân sự có đối tượng giao dịch là quyền sử dụng đất.

2. Hết thời hiệu vẫn có thể khởi kiện được

Do nội dung của BLDS 2015 nên nhiều người vẫn cứ đinh ninh rằng hết thời hiệu thì nghiễm nhiên mất quyền khởi kiện. Cách hiểu này đúng, nhưng chưa đủ.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, “hết thời hiệu khởi kiện” không là một trong các trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện. Do đó, Tòa án vẫn thụ lý đơn khởi kiện dù thời hiệu đã hết. 

Theo điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật này, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án sau khi thụ lý vì nguyên do thời hiệu khi và chỉ khi hội đủ cả hai điều kiện: Một hoặc các bên đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu (1) và thời hiệu khởi kiện đã hết (2).       

Khoản 2 Điều 184 BLTTDS 2015 cũng nêu rõ, Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu theo yêu cầu của đương sự. Hạn chót đưa ra yêu cầu về thời hiệu là cho đến trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án.

Như vậy, nếu thời hiệu đã hết mà không đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu, hoặc chỉ yêu cầu áp dụng sau khi đã có bản án sơ thẩm thì vụ án vẫn được tiếp tục giải quyết ở cấp phúc thẩm hoặc mang đi thi hành án như bình thường.   

Đây chính là điểm khác biệt so với BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Bởi theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 168 và điểm h khoản 1 Điều 192 Bộ luật này thì chỉ cần phát hiện ra thời hiệu đã hết, đương nhiên đơn khởi kiện sẽ bị trả lại hoặc vụ án sẽ bị đình chỉ.  

  •  1720
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…