DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hệ quả pháp lý trong áp dụng điều khoản bất khả kháng

Theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 thì : “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, “Điều khoản về những trường hợp bất khả kháng” được hiểu ngắn gọn là điều khoản về những trường hợp mà khi xảy ra các bên không phải chịu trách nhiệm dù đã có hành vi vi phạm hợp đồng.

Hệ quả pháp lí của việc áp dụng

Khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng sẽ: (i) được miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ không được thực hiện, không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện đúng do sự kiện bất khả kháng gây ra; (ii) được kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng bị chậm trễ do sự kiện bất khả kháng; (iii) nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng dẫn đến việc thực hiện hợp đồng sẽ không có lợi cho các bên thì các bên có thể chấm dứt việc thực hiện hợp đồng. Như vậy, hệ quả pháp lí của việc áp dụng điều khoản những trường hợp về bất khả kháng như sau:

- Hệ quả thứ nhất, được miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng gây ra

Theo quy định chung của thế giới (khoản 1 Điều 79 Công ước viên về mua bán hàng hóa quốc tế 1980(CISG), hay khoản 1 Điều 7.1.7 của Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2004) thì sự kiện bất khả kháng sẽ là căn cứ để bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng được miễn trách nhiệm. Đối với quy định của pháp luật Việt Nam cũng vậy, ngay tại khoản 2 Điều 351 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác."  Như vậy, nếu không thực hiện được nghĩa vụ của hợp đồng nhưng do sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm được miễn trách nhiệm dân sự.

Tuy nhiên, để đươc coi là một căn cứ miễn trách nhiệm, thì sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hành vi vi phạm hợp đồng. Do vậy, việc chứng minh của bên gặp bất khả kháng sẽ gồm 2 điểm: một là, sự tồn tại của trường hợp bất khả kháng và hai là, quan hệ nhân quả giữa nó và hành vi vi phạm hợp đồng. Do hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được tiến hành ký kết và thực hiện giữa các thương nhân ở các nước khác nhau, thậm chí ở rất xa nhau. Cho nên, để tránh việc một bên đưa ra các sự kiện minh chứng giả tạo, người ta đòi họ phải đưa ra được các bằng chứng xác thực. Công ước Viên năm 1980 không quy định các biện pháp, cách thức chứng minh cho trường hợp gặp bất khả kháng. Còn trong thực tiễn thì các bên thường quy định trong hợp đồng về việc chứng minh bất khả kháng là một giấy chứng nhận của Phòng thương mại tại quốc gia nơi xảy ra sự kiện hoặc là xác nhận của một cơ quan nào đó có thẩm quyền của Nhà nước.

Ví dụ, năm 1993, công ty Vegetexco của Việt Nam, có ký một hợp đồng xuất khẩu đưa sang Nga trong vụ đông xuân. Bên người mua đã ứng trước tiền hàng bằng phân bón, xăng dầu. Các vùng trồng dưa đã triển khai đúng tiến độ, cây phát triển tốt cho thấy triển vọng được mùa. Thế nhưng, trước khi thu hoạch một tháng, miền Bắc bị một đợt sương muối nặng, cây bị tát hết lá, nhiều quả non bị rụng. Miền trung là vùng trồng dưa lớn thứ hai thì bị bão sớm đổ bộ làm hư hỏng gần hết. Kết quả là trong năm đó Vegetexco chỉ thực hiện được 65% hợp đồng đã ký. Để được miễn trách nhiệm trong trường hợp này, Công ty đã phải xin Giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân các tỉnh, huyện, xã bị thiên tai, xin Giấy chứng nhận của Tổng cục khí tượng thủy văn và giấy chứng nhận bất khả kháng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Trước các bằng chứng xác thực của công ty, bạn hàng của Nga đã chấp nhận, coi đây là trường hợp bất khả kháng, không bắt công ty Vegetexco bồi thường và tiếp tục hợp đồng đã ký trong các năm sau.

- Hệ quả thứ hai, kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tương ứng với thời gian tổn tại bất khả kháng. Điều này có thể được lý giải như sau:

Khi một nhà kinh doanh ký kết HĐTMQT thì họ đã có những kế hoạch riêng của mình và chờ đợi thu được lợi nhuận thông qua việc thực hiện hợp đồng. Nếu hợp đồng không thực hiện được, mục đích thương mại không đạt, các chi phí đã bỏ ra không thu hồi được sẽ gây ra những tổn thất lớn không những về kinh tế mà còn về mối quan hệ làm ăn lâu năm giữa các bên. Như vậy, việc không thực hiện nghĩa vụ, dù không do lỗi của bên nào đi nữa cũng có thể mang lại thiệt hại lớn cho các bên. Cho nên, trong thực tiễn thương mại quốc tế người ta đã rút ra kết luận là: thà được thực hiện chậm còn hơn là không có. Tuy nhiên, việc đó còn phụ thuộc vào thời gian tồn tại của bất khả kháng. Điều này được quy định tại khoản 1 Điều 296 Luật Thương mại 2005:

“ Trong trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả,…”.

Ví dụ, trong hợp đồng bên A ở Thái Lan bán bột dinh dưỡng cho bên B tại Việt Nam theo điều kiện FOB Cảng Laem Chabang Incoterms 2010. Luật áp dụng là CISG. Theo quy định của hợp đồng, bên A phải giao hàng lên tàu cho bên B chỉ định không muộn hơn ngày 30/01/2015. Nhưng tại thời điểm giao hàng, cảng Laem Chabang phải đóng cửa do có sự kiện đảo chính quân sự tại Thái Lan. Sự kiện đóng cửa này kéo dài từ ngày 29/01/2015 đến hết ngày 03/02/2015 khiến bên A không thể giao hàng theo đúng thời hạn của hợp đồng. Sự kiện này là bất khả kháng và bên A được miễn trách theo Điều 79 CISG. Tuy nhiên, thời hạn miễn trách và được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ này chỉ được diễn ra trong đúng thời gian từ ngày 29/01 – 03/02/2015. Qua thời hạn trên, bên A phải thực hiện tất cả các biện pháp trong khả năng của mình để giao hàng lên tàu cho bên B. Bất cứ sự giao hàng chậm trễ nào ngoài thời hạn cảng đóng cửa từ 29/01 – 03/02, bên A không được viện dẫn sự kiện bất khả kháng đảo chính nêu trên để miễn trách nhiệt. Như vậy, theo quy định của CISG và Luật Thương mại Việt Nam 2005 đều quy định bên gặp bất khả kháng được kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng trong thời gian tồn tại bất khả kháng.

- Hệ quả thứ ba: chấm dứt các quan hệ hợp đồng giữa hai bên

Đây là trường hợp bất khả kháng xảy ra và tổn tại trong một thời gian khá dài làm cho việc thực hiện hợp đồng không còn ý nghĩa đối với một hoặc cả hai bên hoặc hậu quả của bất khả kháng là rất nghiêm trọng mà bên vi phạm hợp đồng dù đã áp dụng biện pháp cần thiết nhưng cũng không thể khắc phục được. Chẳng hạn, người bán đã bị tổn thất rất nặng nề về toàn bộ lô hàng đang được giao cho đối tác giao (do sự kiện bão lớn làm chìm tàu, hàng hóa không thể cứu vớt), sau đó người bán không còn cách nào để có hàng giao cho người mua nữa. Lúc này, bên vi phạm hợp đồng có thể viện dẫn điều khoản về những trường hợp bất khả để được chấm dứt hợp đồng, miễn trách nhiệm của mình.

Mọi người trao đổi cùng mình về vấn đề này nhé!

  •  16360
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…