DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Giao quyền thi hành quyết định cưỡng chế xử phạt hành chính

Tình huống đặt ra là Chủ tịch UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền. Nhưng hết thời hạn mà cá nhân vi phạm chưa chấp hành. Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Vậy quyết định cưỡng chế đó có thể giao cho Chủ tịch UBND xã thực hiện cưỡng chế được không?
 
Trách nhiệm của các bên khi thi hành quyết định cưỡng chế
 
Liên quan vấn đề này, tại Điều 88 Văn bản hợp nhất 20/VBHN-VPQH năm 2022 hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính do Văn phòng Quốc hội ban hành có nêu cụ thể rằng người ra quyết định cưỡng chế tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế như sau:
 
- Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế;
 
- Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu;
 
- Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản có trách nhiệm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của người có thẩm quyền cưỡng chế; tiến hành phong tỏa số tiền trong tài khoản tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp hoặc phong tỏa toàn bộ số tiền trong tài khoản trong trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp; thực hiện việc trích chuyển số tiền phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế...
 
Căn cứ quy định trên, người ra quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện sẽ tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới. Hiện không có quy định nào về việc Ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp trên. Đối với Ủy ban nhân dân xã thì sẽ đóng vai trò phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế khi có yêu cầu từ cấp trên mà thôi chứ không thể trực tiếp nhận việc thi hành.
 
Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
 
Căn cứ theo Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có năm biện pháp cưỡng chế sau:
 
- Biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập;
 
- Biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản;
 
- Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;
 
- Biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản;
 
- Biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
 
Việc cưỡng chế sẽ do người có thẩm quyền quyết định, chủ thể này sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự 4 biện pháp đầu nêu trên. Trong quá trình thực hiện, việc áp dụng các biện pháp tiếp theo chỉ khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế. Còn đối với hình thức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì sẽ phụ thuộc vào Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có nội dung này hay không để tiến hành.
  •  596
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…