DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đối tượng nào sẽ không bao giờ bị phạt tù theo BLHS hiện hành?

Ngoài tội phạm là cá nhân, thì pháp nhân thương mại khi phạm tội cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự. Theo đó, một pháp nhân thương mại phạm tội sẽ phải chịu một trong các hình phạt chính là phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

1. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự với tội gì?

Quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội là một điểm mới nổi bật của Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, luật hiện hành quy định chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của BLHS mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015 quy định chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một trong 33 tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 BLHS 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chẳng hạn: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm…

Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện gồm: 

- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; 

- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; 

- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (5 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).

Lưu ý: Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

2. Pháp nhân thương mại có phải “đi tù” không?

Căn cứ tại Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015 về các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội như sau:

Về hình phạt chính bao gồm:

(1) Phạt tiền

- Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

- Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.

(2) Đình chỉ hoạt động có thời hạn

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế.

- Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm.

(3) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

- Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

- Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Về hình phạt bổ sung bao gồm:

- Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

- Cấm huy động vốn;

- Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Trong đó, mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

Ngoài ra, pháp nhân có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung khi không áp dụng là hình phạt chính.

Pháp nhân thương mại phạm tội cũng có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp như:

- Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; 

- Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi;

- Khôi phục lại tình trạng ban đầu; 

- Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.

Như vậy, một pháp nhân thương mại bị tuyên phạm tội sẽ không phải chịu hình phạt tù như cá nhân. Thay vào đó, pháp luật quy định đối với mỗi tội phạm, pháp nhân sẽ bị áp dụng một trong ba hình phạt chính và có thể áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.

3. Thời hiệu thi hành bản án hình sự 

Đối với pháp nhân thương mại, thời hiệu thi hành bản án là 05 năm.

Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới. 

4. Thẩm quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là tòa án nơi pháp nhân thực hiện tội phạm. 

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.

  •  1337
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

2 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…