DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Điều 420 BLDS 2015 không khả thi ở Việt Nam?

Điều 420 Bộ luật dân sự 2015 là quy định hoàn toàn mới trong lịch sử xây dựng pháp luật dân sự ở Việt Nam. Điều 420 nói về quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi.

Điều 420. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;

c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;

d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;

đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

2. Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.

3. Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.

4. Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Hôm nay khi nghiên cứu tới quy định này, mới chợt thấy là nó quá hay và có phần nào khá “lý tưởng”. Cho nên câu hỏi mình đặt ra ở đây là tính khả thi của quy định này trong thực tiễn áp dụng pháp luật tại Việt Nam.

Một ví dụ vui vui về quy định này mình xin lấy làm minh họa như sau:

A (nam) và B (nữ) có thỏa thuận một “hợp đồng hôn nhân”. Theo đó, A và B thỏa thuận đến khi nào B tốt nghiệp Đại học thì hai người sẽ tiến hành đăng ký kết hôn, và sống đời sống vợ chồng hợp pháp, yêu thương lo lắng cho nhau. (thật ra A và B có quan hệ yêu đương, nhưng để chắc kèo nên A mới đề nghị lập hợp đồng). Ngược lại, A sẽ lo toàn bộ chi phí học đại học cho B, đến khi kết hôn còn tặng B một khoản tiền là 1 tỷ đồng. Xét về mặt pháp lý, hợp đồng này không vi phạm điều cấm nào của Luật.

Nhưng trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, có xảy ra biến cố. Đó là B bị tai nạn đẫn đến bị vô sinh, A đã dùng mọi cách có thể để chữa chạy cho B nhưng không được (thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan, cả A và B đều không lường trước được việc này khi ký hợp đồng, dùng mọi biện pháp để khắc phục hậu quả nhưng không thành). Nếu biết trước B bị vô sinh thì A đã không ký hợp đồng hôn nhân với B. Chính vì vậy, B đề nghị A thương lượng lại nội dung hợp đồng. Rằng A vẫn thực hiện hợp đồng hôn nhân với B nhưng không muốn phải chi trả 1 tỷ cho B nữa. (A nhận thấy bị thiệt nếu tiếp tục thực hiện điều khoản thỏa thuận này).

Bò qua một bên việc tình cảm giữa 02 người mà chỉ tính đến các thỏa thuận trong hợp đồng này. Nếu bạn là B, bạn có đồng ý thương lượng lại hợp đồng này hay không? (A áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 420) Với góc nhìn cá nhân mình, đương nhiên mình không đồng ý thỏa thuận lại vì thỏa thuận lại mình sẽ bị thiệt so với trước đó.

Nếu B không đồng ý thỏa thuận lại hợp đồng thì A có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết nhằm sửa đổi nội dung hợp đồng hoặc tuyên bố chấm dứt hợp đồng. (Khoản 3 Điều 420).

Mình lấy ví dụ để các bạn dễ hình dung, quan hệ hợp đồng giữa A và B là quan hệ hợp đồng hôn nhân, ngoài ra trong xã hội có rất nhiều giao dịch khác mang. Phổ biến nhất có thể nói là hợp đồng thương mại. Trong quan hệ hợp đồng thương mại, một bên nếu muốn bên kia thỏa thuận lại nội dung hợp đồng thì phải chứng minh được điều kiện thay đổi phải đáp ứng đúng và đủ quy định tại Khoản 1 Điều 420 theo quy định của Bộ luật dân sự. Và chứng minh được rồi thì chưa chắc bên kia đã đồng ý thương lượng lại hợp đồng. Thực tế mà nói, hợp đồng các bên ký kết rồi nhiều trường hợp không tuân thủ hợp đồng, cố tình vi phạm hợp đồng… huống gì việc phải ngồi lại đàm phán thay đổi nội dung hợp đồng khi quyền lợi của mình không bị ảnh hường (chi phí cơ hội bỏ ra rất nhiều), đó là còn chưa kể các hợp đồng thương mại thì thời gian thực hiện hợp đồng không quá dài. Việc ngồi lại đàm phán hợp đồng, tính khả thi của quy định này là một dấu hỏi lớn.

Không biết, sau hơn 01 năm áp dụng BLDS 2015, có trường hợp nào áp dụng Điều 420 chưa nhỉ? Mem Dân luật nào trải qua rồi xin ít chỉ giáo ạ.

 

 

  •  19444
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…