DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Đảm bảo quyền con người trong thực thi luật hình sự, luật tố tụng hình sự

ĐẢM BẢO QUYỀN CON NGƯỜI

TRONG THỰC THI PHÁP LUẬT HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ

                                                                             Vũ Đạt

          Việc đề cao quyền con người trong dự thảo Bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự của nước ta là một xu hướng tất yếu, vừa kế thừa tinh thần của các luật tương tự đã ban hành trước đây, vừa thể hiện sự hội nhập với thế giới trong lĩnh vực lập pháp. Qua từng giai đoạn phát triển của đất nước, việc đảm bảo quyền con người trong thực thi pháp luật hình sự, tố tụng hình sự luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm trong quá trình xây dựng các đạo luật; quan điểm vể quyền con người cũng có sự đổi mới để phù hợp với thực tiễn công tác phòng chống tội phạm và các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia.

          Sự lãnh đạo nhất quán của Đảng trong hoạt động tư pháp là cần thiết để đảm bảo cho quá trình cải cách tư pháp diễn ra đồng bộ, thống nhất. Đồng thời cần tiếp cận những kinh nghiệm, cách làm của các nước không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển để vận dụng vào định hướng cải cách tư pháp ở nước ta.

          Từ tình hình công tác phòng chống tội phạm ở nước ta thời gian qua cho thấy phòng ngừa tội phạm bao giờ cũng là gốc, là ưu tiên, xử lý tội phạm chỉ là phần ngọn, giải quyết những hậu quả đã xảy ra rồi. Ví như trong công tác đấu tranh với tham nhũng, cái gốc để triệt tiêu tham nhũng là một cơ chế đủ mạnh để ngăn ngừa lòng tham của quan chức, để họ không cần, không thể và không dám tham nhũng. Đó là việc tìm ra và bịt kín những kẽ hở tạo điều kiện phát sinh tham nhũng, là khắc phục sự bất hợp lý về mức sống của cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác, cống hiến cho xã hội, là cải cách chế độ công chức, công vụ, thủ tục hành chính để hạn chế tối đa những phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực...Sự tổn hại về uy tín của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức, sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ, sự bất bình của nhân dân vì nạn tham nhũng là có thật và cần phải được coi trọng nhưng để khắc phục nạn tham nhũng không chỉ đề cao các biện pháp răn đe, trừng phạt liên quan đến sự tự do hay mạng sống của người phạm tội mà còn cần phải coi trọng việc khắc phục tối đa thiệt hại về kinh tế từ các vụ án tham nhũng vì đó là những thiệt hại có thể nhìn thấy ngay trước mắt và là một trong những nguyên nhân gây bất bình xã hội mà các vụ án tham nhũng tạo ra.

          Việc sửa đổi các đạo luật hình sự, tố tụng hình sự cho phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế là điều không thể tránh. Đành rằng thể chế chính trị của các nước có thể không giống nhau nhưng việc áp dụng luật pháp, thông lệ và tập quán quốc tế cần phải được tính đến để đảm bảo sự khoa học trong đường lối xử lý các vụ án, đặc biệt là các vụ án có yếu tố nước ngoài. Chúng ta muốn người nước ngoài hiểu, chấp nhận và tuân thủ luật pháp Việt Nam thì cũng phải hiểu và tôn trọng luật pháp của các nước khác trên cơ sở những giá trị chung của nhân loại trong đó có giá trị về quyền con người. Ta không thể bắt chước nhưng cũng không nên bỏ qua việc tham khảo và vận dụng những xu hướng tiến bộ của công pháp quốc tế. Sự bình đẳng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đại diện cho Nhà nước ( công an, kiểm sát, tòa án ) với luật sư, người bào chữa, bị can, bị cáo, người bị hại hoặc đại diện của người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong việc tìm ra sự thật của vụ án phải được bắt đầu ngay từ giai đoạn đầu tiên của quá trình điều tra đến khi kết thúc vụ án. Đồng thời để hạn chế án oan như đã xảy ra cần có chế độ giám sát lẫn nhau giữa công an, kiểm sát, tòa án và luật sư để đảm bảo mỗi bên đều làm đúng chức trách của mình và không xâm phạm hoạt động tư pháp, không cản trở hoạt động bình thường, đúng pháp luật của bên còn lại, đảm bảo sự khách quan, tránh cách làm nóng vội, quy kết có thể dẫn đến những hậu quả tai hại về quyền con người. Nên nhớ rằng không thể quay ngược thời gian để thay đổi việc một người bị tạm giữ, tạm giam hay bị kết án. Tôn trọng quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo khi không có luật sư để tránh sự áp đặt của những người tiến hành tố tụng đại diện cho nhà nước dẫn đến oan sai và không để sự mất bình tĩnh của người bị bắt, bị can làm ảnh hưởng đến sự trung thực, đến sự thật khách quan của vụ án. Đây là cách đảm bảo quyền con người của người phạm tội hay nghi phạm chứ không đơn thuần là việc đề cao hay tuyệt đối hóa vai trò của luật sư. Mặt khác, trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình, luật sư cần được trao quyền độc lập thu thập chứng cứ nhằm đảm bảo không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào của vụ án và cách nhìn toàn diện, công bằng trong xử lý vụ án.

( Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, một người công tác ngoài giới luật sư và các cơ quan bảo vệ pháp luật).

  •  5376
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…