DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Con lấy tiền nạp game, cha mẹ có được đòi hãng trả?

Do sự phát triển của xã hội, trẻ em hiện nay được tiếp xúc với máy tính, điện thoại thông minh và trò chơi điện tử (game) từ rất sớm. Vì tuổi nhỏ và tâm lý ganh đua cho “bằng bạn bằng bè”, không ít em đã nạp một số tiền rất lớn vào những trò chơi này, mà chưa hỏi qua ý kiến phụ huynh. Nếu rơi vào hoàn cảnh ấy, bậc cha mẹ có thể yêu cầu hãng game trả lại tiền được hay không?

Nạp tiền vào game có đòi được không?

Nạp tiền vào game có đòi được không? - Minh họa

Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 BLDS 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

- Người tham gia có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch được xác lập;

- Việc tham gia giao dịch là hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Hiện nay, các giao dịch về nạp tiền thật mua game hoặc vật phẩm trong game thuộc những nền tảng “chính thống” như App Store, CH Play, Steam, Garena… không bị pháp luật cấm. 

Do đó, vấn đề duy nhất cần xét tới ở đây chính là trẻ em có được tham gia vào loại giao dịch như thế này hay không?

Điều 21 và điểm a khoản 2 Điều 125 BLDS 2015 quy định về độ tuổi của người tham gia giao dịch dân sự như sau:

Thứ nhất, giao dịch dân sự của người dưới 06 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện, trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Người đại diện có thể là cha, mẹ hoặc người khác do Tòa án chỉ định.

Thứ hai, giao dịch dân sự của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 15 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

BLDS không quy định “nhu cầu thiết yếu” hoặc “nhu cầu sinh hoạt hằng ngày” là gì. Tuy nhiên, ta có thể tham khảo từ khoản 20 Điều 3 Luật HN&GĐ 2014. Theo đó, “nhu cầu thiết yếu” được hiểu là “nhu cầu sinh hoạt” thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh hoặc khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Có thể thấy rõ việc giao dịch trong trò chơi điện tử thuộc về nhóm “giải trí” và không phải là thứ “không thể thiếu” trong đời sống. Chính vì vậy, việc bán thẻ nạp game cho trẻ em mà chưa thông qua bố mẹ là với quy định của pháp luật, nên sẽ bị vô hiệu.  

Thứ ba, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch liên quan tài sản phải đăng ký với nhà nhà nước hoặc giao dịch khác mà theo quy định phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, nếu người từ đủ 15 tuổi trở lên được tự mình mua thẻ nạp game thì giao dịch này không bị vô hiệu.

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là trong trường hợp mua bán thẻ vật lý, cầm nắm tận tay được. Còn đối với trường hợp trẻ dùng tài khoản ngân hàng của bố mẹ để nạp tiền qua ví điện tử hoặc cổng thanh toán trực tuyến thì sẽ khó giải quyết hơn nhiều.

Thông thường, các giao dịch loại này đều yêu cầu phải có xác nhận bằng mật khẩu, vân tay. Nếu vì lý do nào đó mà trẻ thông qua được bước này thì sẽ rất khó để yêu cầu hoàn trả tiền, vì về nguyên tắc, chủ tài khoản có trách nhiệm giữ bí mật mật khẩu và vân tay của mình. Mặt khác, giao dịch tiến hành trực tuyến hoàn toàn nên rất khó để chứng minh trẻ hay phụ huynh mới là bên giao dịch thực sự.

Ấy là chưa kể đến, rất nhiều nhà phát hành yêu cầu người chơi phải cam kết đồng ý điều khoản rồi mới được tham gia. Mà thông thường, nó bao gồm cả điều khoản về việc không hoàn trả tiền đã nạp vào tài khoản.

Chung quy lại, để không xảy ra cảnh “dở khóc dở cười” này, tốt nhất cha mẹ nên quản lý tốt con mình chơi gì và trò chơi đó có nạp thẻ hay không, nhất là những trò chơi cho phép chi trả thông qua ứng dụng thanh toán cài đặt sẵn trên thiết bị. 

  •  1939
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…