DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có thể mua lại, chuộc lại tài sản bị tịch thu khi vi phạm hành chính?

Mua lại, chuộc lại tài sản bị tịch thu

Tài sản bị tịch thu do vi phạm hành chính - Ảnh minh họa

Những tài sản bị tịch thu do vi phạm hành chính có thể được mua lại hoặc nộp phạt để chuộc lại hay không? Nếu không thì chúng được xử lý như thế nào? Mời bạn đọc cùng tham khảo những thông tin sau đây.

Khi nào áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính?

Trước hết, "Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính" được hiểu là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hoá, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. (Điều 26 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012)

Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, tùy theo mức độ và tính chất vi phạm mà Nhà nước sẽ quy định có áp dụng thêm hình thức xử phạt bổ sung này bên cạnh hình phạt chính hay không.

Ví dụ: 

Tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt khi vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung:

"Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi: Dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền."

Sau đó, Khoản 3 Điều này quy định về hình thức xử phạt bổ xung "tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này", có nghĩa là những tài sản như loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn,... mà người vi phạm sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm sẽ là những vật bị tịch thu.

Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xử lý ra sao?

Sau khi bị tịch thu, cơ quan xử lý vi phạm sẽ xử lý những tài sản này theo quy định tại Khoản 1 Điều 82 của Luật xử lý VPHC như sau:

- Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước

- Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng

- Ngoài 4 trường hợp kể trên, tang vật, phương tiện VPHC những trường hợp khác tài sản tịch thu sẽ được tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan.

Như vậy, việc "chuộc lại" tài sản bị tịch thu là điều không thể. Vậy có thể áp dụng hình thức mua lại tang vật đã được đấu giá hay không?

Mua lại tang vật bị đấu giá

Điều 4 Luật đấu giá tài sản 2016 có quy định:

1. Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá, bao gồm:

...

e) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước, tài sản kê biên để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

..."

Có thể thấy, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu là tài sản sẽ phải bán thông qua đấu giá.

Đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải bán đấu giá, Khoản 1 Điều 56 Luật này có quy định về việc Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá:

" Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản."

Như vậy, thông tin về tổ chức được chọn để tiến hành đấu giá sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin để người dân có thể theo dõi và đấu giá tài sản.

  •  1104
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…