DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Có phải bồi thường khi người khác tự ý lao đầu vào xe mình?

Người khác tự ý lao đầu vào xe mình

Người khác tự ý lao vào xe mình - Ảnh minh họa

Không ít trường hợp tài xế điều khiển xe cơ giới (kể cả xe máy, ô tô) đang lưu thông trên đường thì bất ngờ có người lao thẳng vào xe của mình, dẫn đến thiệt hại xảy ra. Trong những trường hợp này, trách nhiệm của mỗi bên ra sao?

Để trả lời được câu hỏi này, ta phân tích tình huống dưới hai góc độ:

1. Về dân sự

Trong quan hệ dân sự, bất kể một thiệt hại nào xảy ra trên thực tế đều phải được bồi thường toàn bộ, kịp thời, tuy nhiên khi bên thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. (Khoản 1, Khoản 4 Điều 585 Bộ luật dân sự 2015).

Chỉ có một trường hợp duy nhất người gây thiệt hại không phải bồi thường, theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 BLDS:

“Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”

Quay lại với vấn đề đã đặt ra: Người khác tự ý lao đầu vào xe của mình thì trách nhiệm bồi thường như thế nào?

Tại Khoản 2 Điều 601 Bộ luật dân sự có quy định:

“2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Vì các loại xe cơ giới như xe máy, ô tô được xếp vào nhóm “nguồn nguy hiểm cao độ” tại Khoản 1 Điều trên nên người tài xế vẫn phải bồi thường cho người bị thương dù mình không có lỗi, trừ khi có những căn cứ sau:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(Khoản 3 Điều 601 BLDS)

“Lỗi cố ý” được định nghĩa ở Điều 364 BLDS:

“Lỗi cố ý là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.”

Việc xác định lỗi cố ý này không thể dễ dàng phân tích một cách lý thuyết mà phải dựa trên điều tra thực tế, xem xét các hành vi khách quan, thời gian, không gian xảy ra hành vi.

Riêng đối với tài xế lái xe, nếu họ chứng minh được việc lao đầu vào xe hơi của nạn nhân gây thiệt hại cho họ thì thậm chí người bị thiệt hại còn phải bồi thường ngược lại cho người điều khiển phương tiện.

2. Về hình sự

Trong quan hệ hình sự, hành vi tông chết người khi tham gia giao thông còn có thể tác động đến một khách thể khác, đó là các quy định của pháp luật, trật tự an toàn xã hội.

Khi khách thể này bị xâm phạm, Nhà nước hoàn toàn có thể xem xét hành vi xâm phạm là một hành vi phạm tội và cần phải trừng trị.

Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có quy định về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Đối với tội này, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Làm chết người

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Cần hết sức lưu ý là ở đây, chỉ cần có 2 yếu tố: vi phạm quy định về an toàn gao thông và gây ra thiệt hại (với người bị tông hoặc với tài sản của Nhà nước) là đủ để xử lý hình sự, cho dù người vi phạm không hề cố tình tông vào nạn nhân.

Nếu người lái xe không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật về giao thông đường bộ, họ sẽ không bị khép vào tội này.

Theo những phân tích trong bài, phần lớn những vụ việc tương tự chỉ có thể được phân rõ trách nhiệm bồi thường khi được điều tra, làm rõ vụ việc và Tòa án ra quyết định cuối cùng.

  •  3733
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…