DanLuat DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chào hàng cạnh tranh là gì? Quy trình chào hàng cạnh tranh

Chào hàng cạnh tranh là một hình thức đấu thầu được áp dụng đối với những gói thầu có hạn mức theo quy định của Chính phủ.

1. Điều kiện chào hàng cạnh tranh

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Đấu thầu 2013, để tiến hành chào hàng cạnh tranh, các gói thầu phải đáp ứng đủ điều kiện sau:

- Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;

- Có dự toán được phê duyệt theo quy định;

- Đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu.

2. Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh

Điều 57 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh, theo đó:

- Chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với gói thầu có giá trị không quá 05 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

+ Gói thầu mua sắm hàng hoá thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hoá và tương đương nhau về chất lượng;

+ Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt.

- Chào hàng cạnh tranh theo quy định rút gọn áp dụng đối với gói thầu có giá trị trong hạn mức theo quy định của Chính phủ và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản, có giá trị không quá 500 triệu đồng;

+ Gói thầu mua sắm hàng hoá thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hoá và tương đương nhau về chất lượng, có giá trị không quá 01 tỷ đồng;

+ Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, có giá trị không quá 01 tỷ.

+ Gói thầu đối với mua sắm thường xuyên có giá trị không quá 200 triệu đồng.

3. Quy trình chào hàng cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 58, Điều 59 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì chào hàng cạnh tranh được thực hiện theo một trong hai quy trình sau:

- Chào hàng cạnh tranh thông thường gồm các bước sau:

+ Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu: Lập hồ sơ yêu cầu; Thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu.

+Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu.

+ Bước 3: Đánh giá các hồ sơ đề xuất và thương thảo hợp đồng.

+ Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:

Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

+ Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh, biên bản thương thảo hợp đồng, hồ sơ đề xuất, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu liên quan khác.

Về thời gian trong chào hàng cạnh tranh thông thường được xác định như sau:

- Thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất tối thiểu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ yêu cầu;

- Trường hợp cần sửa đổi hồ sơ yêu cầu, bên mời thầu phải thông báo cho các nhà thầu trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 03 ngày làm việc để nhà thầu có đủ thời gian chuẩn bị hồ sơ đề xuất;

- Thời gian đánh giá hồ sơ đề xuất tối đa là 20 ngày, kể từ ngày mở thầu đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất;

- Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định;

- Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định;

- Các khoảng thời gian khác thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 của Luật Đấu thầu.

- Chào hàng cạnh tranh rút gọn gồm các bước sau:

+ Bước 1: Chuẩn bị và gửi bản yêu cầu báo giá:

+ Bước 2: Nộp và tiếp nhận báo giá:

+ Bước 3: Đánh giá các báo giá:

+ Bước 4: Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu:

Việc trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

+ Bước 5: Hoàn thiện và ký kết hợp đồng:

Hợp đồng ký kết giữa các bên phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả chào hàng cạnh tranh, biên bản thương thảo hợp đồng và các tài liệu liên quan khác.

Về thời gian trong chào hàng cạnh tranh rút gọn được xác định như sau:

- Thời gian đánh giá các báo giá tối đa là 10 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp báo giá đến khi bên mời thầu có tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kèm theo báo cáo đánh giá các báo giá;

- Thời gian thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình thẩm định;

- Thời gian phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tối đa là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ trình đề nghị phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của bên mời thầu và báo cáo thẩm định của đơn vị thẩm định.

Như vậy, tùy thuộc vào từng gói thầu, giá trị của gói thầu mà bên mời thầu sẽ lựa chọn quy trình chào hàng cạnh tranh thông thường hay chào hàng cạnh tranh rút gọn.

  •  2525
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…