DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Chặng đường tìm kiếm công lý của hôn nhân đồng tính

Pháp luật Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi và nâng cao giá trị sống của mỗi người công dân trên đất nước này. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, vấn đề thừa nhận hôn nhân đồng giới đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của giới truyền thông, cũng như đã có không ít những cuộc họp Quốc hội đã diễn ra để bàn vấn đề này nằm trong khuôn khổ sửa đổi Luật Hôn nhân Gia đình 2000 nhưng bản thân những nhà  làm luật cũng như tiếng nói của người dân trong cả nước vẫn chưa thể đưa ra đáp số cuối cùng cho bài toán nan giải này: “ Liệu có nên hay không việc thừa nhận hôn nhân đồng giới?”. Vì thế, tôi viết bài này như một cách góp lên chút ít ý kiến nhỏ nhoi của mình đối với vấn đề mang tính thời sự này cũng như nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam 09/11/2013.

Hôn nhân nói nôm na theo văn chương là sự kết đôi giữa hai con người yêu nhau và muốn chung sống cùng nhau để tạo dựng một gia đình tốt hơn cho xã hội, còn nói theo Luật hôn nhân gia đình thì đó chính là sự thừa nhận của xã hội, của pháp luật về việc chung sống của hai công dân theo những điều kiện mà pháp luật đưa ra. Vậy, xét cho đến cùng việc thừa nhận hôn nhân đồng giới liệu có gì là sai trái với chuẩn mực đạo đức của xã hội, với truyền thống của dân tộc và hơn hết là có hay không sự vi phạm đến pháp luật nước nhà? Chắc hẳn trong tim mỗi người Việt chúng ta không ai không biết đến câu nói mở đầu cho Bản Tuyên ngôn độc lập của nước ta vào mùa thu năm 1945 lịch sử đã từng viết: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” . Đúng vậy, ngay từ những viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền pháp chế xã hội chủ nghĩa này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác nhận lấy quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân làm gốc để giúp nước nhà phát triển và vững mạnh. Do vậy, hà cớ gì từ hàng chục năm nay, hôn nhân tự nguyện giữa những con người đồng giới không được thừa nhận khi mà bản thân họ sinh ra cũng là một con người, một công dân trên đất nước này và họ cũng tha thiết quyền được xã hội thừa nhận, quyền được tôn trọng và quyền được hạnh phúc như biết bao công dân khác. Hơn nữa, theo Điều 50,52 của Hiến pháp 1992 đã quy định về quyền con người sẽ luôn được tôn trọng về mọi phương diện từ chính trị, dân sự, kinh tế đến văn hóa, xã hội và song song đó, Hiến pháp đã thừa nhận pháp luật Việt Nam sẽ luôn bảo hộ tính mạng, danh dự, sức khỏe, nhân phẩm của mỗi công dân. Văn bản pháp luật có giá trị tối cao đã thừa nhận quyền con người cũng như bảo hộ công dân Việt Nam thì không lý do gì không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Bởi một điều đơn giản rằng khi thừa nhận hôn nhân đồng giới là pháp luật thừa nhận vị trí bình đẳng của người đồng giới trong xã hội cũng như cơ quan nhà nước có thể quản lý, bảo hộ và nắm rõ tình trạng của mỗi người dân nơi địa phương sinh sống. Chính vì trong suốt thời gian qua, xã hội cũng như pháp luật đã kì thị người đồng giới khiến họ gần như sống lầm lũi nơi những góc tối của đời sống thường ngày và phải chăng chúng ta đã quá bất công với người thuộc thế giới thứ ba khi suốt một thời gian dài chúng ta để cuộc sống của họ gần như đứng bên ngoài vòng quản lý của pháp trị.

Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, tiếng nói của giới truyền thông cũng như sự vùng lên đầy văn minh của những người đồng giới với mong muốn và khát khao được xã hội thừa nhận đã phần nào xóa bỏ những kì thị mà suốt bao năm qua họ phải đeo mang. Thêm vào đó là vấn đề thừa nhận hôn nhân đồng tính được đặt ra đã tạo nên một làn sóng tranh luận không hề nhỏ trong xã hội. Kết quả là nghị định 87/2001/NĐ-CP đã quy định mức phạt từ 100 000đ- 500 000đ đối với hành vi kết hôn giữa những người cùng giới đồng thời buộc chấm dứt hôn nhân trái pháp luật đã được xóa bỏ vào ngày 11/11/2013 theo Điều 48 của Nghị định 110/2013/NĐ-CP trước sự vui mừng của cộng đồng mạng cũng như những người quan tâm.Nhưng riêng theo cá nhân tôi, việc có xử phạt hành chính hay không đối với hôn nhân đồng giới chưa phải là một chiến thắng thật sự trên con đường đi tìm công lý của giới thứ ba bởi tính pháp lý của Luật luôn mang giá trị hành pháp cao hơn vì thế khi Nghị định 110/2013/NĐ-CP ban hành đã đặt ra câu hỏi : “ Phải chăng một lần nữa những nhà làm luật đang đẩy người đồng tính ra khỏi sự bảo vệ của pháp luật? Khi mà văn bản pháp luật cố tính làm ngơ việc có sửa đổi hay không điều khoản cấm hôn nhân đồng tính theo khoản 5 Điều 10 Luật hôn nhân gia đình. Vì vậy, chắc hẳn thế giới thứ ba còn cần phải cố gắng hơn nữa với hi vọng và đợi chờ trên suốt quãng đường dài phía trước với mong muốn Luật hôn nhân gia đình thừa nhận kết hôn đồng giới.

Xét ở khía cạnh dư luận, có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng: “ Thừa nhận hôn nhân đồng giới là trái với nguyên tắc tôn trọng đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc theo Điều 8- Bộ luật dân sự 2005”. Nhưng theo tôi, tại Điều 5 – Bộ luật dân sự đã thừa nhận quyền bình đẳng như sau: “Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau.” Dựa trên căn cứ đó, tôi thiết nghĩ rằng quan hệ hôn nhân cũng là một quan hệ dân sự vậy thì quyền bình đẳng giới tính của giới thứ ba cũng cần được thừa nhận rõ ràng và cụ thể trong Luật hôn nhân gia đình. Thêm vào đó, tôi xin được trích một trong những căn cứ để ban hành Luật hôn nhân gia đình 2000 như sau: “Để đề cao vai trò của gia đình trong đời sống xã hội, giữ gìn và phát huy truyền thống và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình;

Để nâng cao trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam

Điều đó có nghĩa là những suy nghĩ định kiến về vấn đề hôn nhân đồng tính cần được xóa bỏ và pháp chế hôn nhân mới cần được sửa đổi để phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của xã hội, của công dân. Để từ đó, mỗi người dân đều xây dựng nên những giá trị gia đình thật sự hạnh phúc, ấm no như câu “an cư lạc nghiệp”. Có như vậy, đất nước ta mới ngày càng phồn thịnh hơn và tiến xa hơn nữa trên bước đường hội nhập thế giới.

Thay cho lời kết, tôi chỉ muốn nói rằng pháp luật được xây dựng dựa trên cuộc sống của người dân và bảo vệ cho phía yếu thế. Do vậy, người đồng giới đã phải chịu nhiều những bất công vô tình của pháp luật trong suốt thời gian qua nên chúng ta chẳng có lý do gì để từ chối mong muốn được hưởng hạnh phúc chính đáng của họ trên đất nước này thông qua hình thức thừa nhân hôn nhân đồng tính.

 

 

  •  40038
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…