DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cậu nhận cháu ruột làm con nuôi được không?

Việc nhận nuôi một người là chuyện không hiếm xảy ra nhưng có phải ai cũng được nhận người khác làm con nuôi và liệu cậu có được nhận cháu ruột làm con nuôi không?

Theo khoản 1 điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi”. Theo đó, việc nuôi con nuôi sẽ phát sinh quan hệ pháp lý cha con hoặc mẹ con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.

Về điều kiện được nhận nuôi con nuôi, pháp luật ràng buộc điều kiện giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Trường hợp cậu muốn nhận cháu ruột làm con nuôi cần phải thỏa mãn các điều kiện này.

Theo điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định điều kiện của người được  nhận làm con nuôi như sau:

“1. Trẻ em dưới 16 tuổi

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.”

Đối với người được nhận làm con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi thì có thể làm con nuôi của bất kỳ người nhận con nuôi nào nếu đáp ứng điều kiện đối với người nhận con nuôi. Còn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì chỉ được làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế, cô cậu, dì, chú, bác ruột. Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên thì không thuộc trường hợp được nhận làm con nuôi.

Theo khoản 1 điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định điều kiện người nhận con nuôi như sau:

“1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.”

Qua quy định trên có thể thấy, người nhận con nuôi phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, về độ tuổi thì hơn con nuôi 20 tuổi trở lên, có sức khỏe, kinh tế đủ khả năng chăm sóc, giáo dục con nuôi và là người có đạo đức tốt. Tuy nhiên, điều kiện về độ tuổi cần được lưu ý đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không cần thỏa mãn điều kiện lớn hơn con nuôi 20 tuổi (quy định tại khoản 3 điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010).

Ngoài ra, để bảo vệ người được nhận làm con nuôi, khoản 2 điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định những người sau đây không được nhận nuôi con nuôi:

“2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.”

Như vậy, cậu có thể nhận cháu ruột làm con nuôi nếu người cháu dưới 18 tuổi, người cậu phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có sức khỏe, kinh tế, đủ khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục cháu, có đạo đức tốt và không thuộc trường hợp khoản 2 điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010.

  •  1237
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…