DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Cần dịch văn bản quy phạm pháp luật sang tiếng Anh

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Để tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam, tất yếu các nhà đầu tư nước ngoài cần phải tìm hiểu, thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, việc dịch các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sang tiếng Anh và đăng tải công khai các bản dịch trên các trang thông tin của các cơ quan Nhà nước là rất cần thiết vì đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cao đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay việc dịch các VBQPPL sang tiếng Anh và đăng tải các bản dịch trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước vẫn còn rất hạn chế và dường như quy định về dịch VBQPPL sang tiếng Anh và đăng tải các bản dịch đó đang bị lãng quên.

Việc dịch VBQPPL sang tiếng nước ngoài được quy định tại Điều 6 Luật ban hành VBQPPL năm 2008  (có hiệu lực từ ngày 01/01/2009). Theo Điều 6 của Luật này, VBQPPL có thể được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài; việc dịch VBQPPL ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài do Chính phủ quy định. Cụ thể hóa quy định này, Điều 51 Nghị định24/2009/NĐ-CP ngày 05/03/2009 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL (có hiệu lực ngày 20/4/2009) quy định trừ trường hợp VBQPPL có nội dung thuộc bí mật nhà nước, các VBQPPL bao gồm Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nội dung liên quan hoặc ảnh hưởng đến thương mại hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ phải được dịch ra tiếng Anh và có thể được dịch ra tiếng nước ngoài khác[1]. Quy định này dùng từ “phải” đối với việc dịch VBQPPL sang tiếng Anh, tức có nghĩa là đây là một nghĩa vụ pháp định. Căn cứ khoản 3 điều 51 Nghị định này, nghĩa vụ này thuộc về cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL: “Cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam dịch văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 1 Điều này ra tiếng Anh”. Khoản 4 điều này cũng quy định về yêu cầu của bản dịch: “Bản dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng nước ngoài phải bảo đảm đúng tinh thần của văn bản được dịch, bảo đảm tính chính xác của nội dung văn bản được dịch”.

Về việc đăng tải các bản dịch, khoản 5 Điều 51 Nghị định24/2009/NĐ-CP cũng quy định rõ: “Bản dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng Anh quy định tại khoản 1 Điều này phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ trong thời gian chậm nhất là 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày văn bản được đăng Công báo”. Cũng giống như quy định về việc dịch VBQPPL sang tiếng Anh, điều luật này một lần nữa quy định từ “phải” đối với việc đăng tải bản dịch, tức là việc đăng tải bản dịch tiếng Anh của VBQPPL cũng là một nghĩa vụ pháp định.

Mặc dù quy định đã có, tương đối rõ ràng và đã tồn tại một thời gian dài gần 4 năm nay nhưng việc thực hiện các quy định nêu trên của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (hay nói đúng hơn là có nghĩa vụ) vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, khi truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ[2] (Government web portal), chọn mục “Hệ thống văn bản” (Legal documents)[3] thì chỉ thấy được rất ít các bản dịch tiếng Anh của một số văn bản luật rất cơ bản như: Hiến pháp, Luật Quốc tịch, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật doanh nghiệp, Luật Hải quan,… Trong khi khoản 5 Điều 51 Nghị định Nghị định24/2009/NĐ-CP quy định bản dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng Anh phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Chính phủ trong thời gian chậm nhất là 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày văn bản được đăng Công báo. Theo quy định này, lẽ ra Trang thông tin điện tử của Chính phủ phải là nơi hệ thống các bản dịch tiếng Anh của các VBQPPL đã được ban hành đầy đủ nhất thì trái lại, ở đây chỉ có rải rác vài văn bản luật như vừa nêu!

Lướt qua một số trang thông tin của các Bộ và cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ) thì cũng dễ dàng nhận thấy rằng không nhiều Bộ có đăng tải bản dịch tiếng Anh của các VBQPPL; có Bộ có đăng tải thì cũng chỉ một số ít văn bản khá cũ, chậm cập nhật; có Bộ đặt tên tiêu đề của VBQPPL bằng tiếng Anh nhưng khi tải về không phải là bản dịch tiếng Anh mà là bản Tiếng Việt[4]. Theo đánh giá của người viết, một số Bộ có hệ thống bản dịch tiếng Anh VBQPPL khá nhiều và có sự cập nhật (tuy nhiên tốc độ cập nhật còn chậm) là Bộ Tư pháp[5] (cập nhật đến Nghị định82/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư[6] (cập nhật đến Nghị quyết số13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ), Bộ xây dựng[7] (chủ yếu đăng tải các bản dịch các VBQPPL mà Bộ này ban hành, đã cập nhật đến Thông tư12/2011/TT-BXD ngày 01/9/2011 của Bộ này), Ngân hàng Nhà nước[8] (chủ yếu đăng tải các VBQPPL có liên quan đến lĩnh vực mà Cơ quan này quản lý, đã cập nhật đến Quyết định857/QĐ-NHNN ngày 05/02/2012), Bộ Lao động và Thương binh – xã hội[9] (cập nhật đến Thông tu liên tịch số40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 28/12/2011)…

Qua những phân tích nêu trên có thể thấy rằng quy định của pháp luật và việc thực thi pháp luật vẫn còn khoảng cách nhất định. Bài viết này như là một kiến nghị của người viết đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện quy định của pháp luật về việc dịch các VBQPPL sang tiếng Anh và đăng tải các bản dịch này. Thực hiện tốt quy định này cũng là góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài.

 

  •  24262
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…