DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Các trường hợp tài sản không còn thuộc quyền sở hữu của cá nhân

Chấm dứt quyến sở hữu

Chấm dứt quyền sở hữu tiền - Ảnh minh họa

Bạn đã từng đặt câu hỏi trong những trường hợp nào thì tiền của bạn sẽ không còn thuộc quyền sở hữu của bạn chưa? Ngoài việc tiêu tiền, ném tiền đi… thật ra sẽ còn nhiều trường hợp nữa tiền của bạn “không cánh mà bay” đấy!

Đầu tiên, tiền là một "Tài sản" theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015.

Tiếp đó, căn cứ vào điều 237 Bộ luật dân sự 2015, một người sẽ chấm dứt quyền sở hữu tài sản của mình khi:

1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.

Nói nôm na là chuyển quyền sở hữu là khi bạn trao quyền sở hữu tiền của bạn cho người khác, bằng các hình thức như: tặng, cho, biếu, gửi tiền mừng cưới … hoặc thậm chí là bạn bán chỗ tiền của mình để nhận lại một lượng tiền khác thì cũng gọi là chuyển quyền sở hữu!

Ngoài ra, trường hợp thừa kế cũng là một dạng chuyển quyền sở hữu, chỉ khác là lúc này tiền của bạn được chuyển cho người khác sau khi bạn đã chết.

2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.

Đây là trường hợp bao gồm việc “ném tiền đi”, cụ thể sẽ có hai cách để từ bỏ quyền sở hữu:

- Tuyên bố công khai về việc từ bỏ quyền sở hữu: Bạn chỉ cần thông báo cho bất kỳ ai (càng nhiều người càng tốt ) về việc tôi đã không còn muốn sở hữu chỗ tiền này nữa là được!

- Thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền sở hữu: Ngoài ném tiền đi (tất nhiên là không có dấu hiệu nhặt lại nữa nha) thì bạn có thể chủ động để tiền ra giữa đường rồi bỏ đi, hoặc tự tay đặt nó vào bóp tiền của người khác cũng được!

Tuy nhiên ở trường hợp này, nếu việc từ từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

3. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác

Ví dụ bạn chôn tiền, giấu tiền, hoặc tiền của bạn bị vùi lấp, chìm đắm, đánh rơi, bỏ quên mà có người tìm thấy được, sau đó có liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền để tìm chủ sở hữu, mà bằng cách nào đó bạn vẫn không xuất hiện để nhận lại, thì tùy thuộc vào một số quy định pháp luật (Từ Điều 228 đến 230 BLDS 2015), họ sẽ được xác lập quyền sở hữu phần tài sản đó.

4. Xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu

Trường hợp này thì không liên quan đến tiền mặt mà áp dụng khi bạn nợ nần nhưng không có tiền để trả nợ. Sau khi chủ nợ của bạn thưa kiện, bạn sẽ bị cưỡng chế xử lý tài sản rồi quy ra tiền để trả nợ.

5. Tài sản được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy

Là khi bạn tiêu hết tiền của mình (đương nhiên rồi!) hoặc bạn đốt tiền đi theo đúng nghĩa đen, tuy nhiên theo Khoản 3 Điêu 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam thì mức phạt có thể lên đến 15.000.000 đồng.

6. Tài sản bị trưng mua

Là khi tài sản của bạn bị Nhà nước cưỡng chế buộc phải bán tài sản cho Nhà nước theo thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản trên cơ sở thời giá thị trường. Trường hợp này thì không liên quan đến tiền mặt cho lắm

7. Tài sản bị tịch thu

Nếu tiền của bạn liên quan trực tiếp trong việc bạn phạm tội hoặc vi phạm hành chính, chẳng hạn tiền bạn dùng để đánh bài, cá độ… thì sẽ bị tịch thu và mất luôn quyền sở hữu!

8. Những trường hợp khác theo quy định của các luật khác

Đây là nơi để các bạn bổ sung thêm những trường hợp theo luật khác, xin mời mọi người đóng góp ý kiến!

  •  3944
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…