DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bình luận về Người giúp sức trong Bộ luật Hình sự 2015

Người giúp sức ở đây là đồng phạm! trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp vụ án có đồng phạm, Toà án đã xác định không đúng vai trò đồng phạm, cụ thể xác định người thực hành thành người giúp sức, dẫn đến đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không chính xác.

Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 về đồng phạm vẫn được kế thừa từ Bộ luật Hình sự năm 1999, tuy nhiên, việc vận dụng các quy định này trong thực tiễn tố tụng hình sự để giải quyết các vụ án vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là việc phân biệt giữa đồng phạm với vai trò là người giúp sức và đồng phạm với vai trò là người thực hành.

Theo khoa học luật hình sự nước ta thì người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm, nghĩa là tự mình thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan quy định trong cấu thành tội phạm, như trực tiếp chiếm đoạt tài sản; trực tiếp mua bán, tàng trữ chất ma tuý; trực tiếp chôn, lấp, đổ thải chất thải nguy hại ra môi trường… 

Người thực hành có thể không phải là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án đồng phạm, nhưng người thực hành luôn là người có vai trò quyết định việc thực hiện tội phạm, vì hành vi của người thực hành được coi là có vị trí trung tâm, trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác phụ thuộc vào hành vi của người thực hành; đồng thời, nếu không có người thực hành, thì thủ đoạn phạm tội của người tổ chức có nham hiểm đến đâu, tội phạm cũng chỉ có thể dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, hậu quả tội phạm chưa xảy ra.

Còn người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Giúp sức về vật chất là các trường hợp cung cấp tiền bạc, công cụ, phương tiện, khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm dễ dàng, thuận lợi hơn. Giúp sức về tinh thần là các trường hợp chỉ dẫn, cung cấp tình hình, góp ý kiến về kế hoạch, cách thức thực hiện tội phạm, hoặc hứa hẹn che giấu, ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó…

Thực tiễn xét xử của các Toà án hiện nay, hầu như các vụ án hình sự có đồng phạm mà Toà án đưa ra xét xử đều có bị cáo tham gia với vai trò là người thực hành, nhưng rất ít khi gặp trường hợp bị cáo tham gia vụ án với vai trò là người giúp sức. Nguyên nhân tình trạng này có thể là so với trước đây thì hiện nay tính manh động, liều lĩnh của tội phạm tăng lên, người thực hiện hành vi giúp sức nếu như trước đây tìm cách giấu mặt thì nay sẵn sàng trực tiếp tham gia thực hiện tội phạm, nên trong các trường hợp này vai trò của họ trong vụ án không còn là vai trò của người giúp sức nữa, mà họ trở thành người thực hành. Mặt khác, việc thu thập chứng cứ buộc tội đối với người giúp sức thường gặp rất nhiều khó khăn, do họ là người không trực tiếp thực hiện tội phạm, ít khi để lại dấu vết, nên chỉ với những lời khai của các đồng phạm khác về hành vi giúp sức của họ, rất khó để các cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ; và cũng có thể các đồng phạm khác không khai ra họ để trả ơn đối với hành vi giúp sức của họ.

Tuy nhiên, qua theo dõi các bản án hình sự mà các Toà án xét xử trong những năm gần đây, tình trạng xác định không chính xác vai trò đồng phạm, theo đó, người thực hành biến thành người giúp sức. Những trường hợp sau là ví dụ:

Vụ án: Nguyễn Đình A và Trần Đức Đ là những đối tượng chuyên đi đòi nợ thuê. Đầu tháng 7/2015, Trần Văn H đã thuê Nguyễn Đình A và Trần Đức Đ đến nhà chị Phạm Thị H để đòi nợ số tiền 172 triệu đồng cho mình. Trần Văn H đi cùng H và Đ. Tại nhà chị H, do chị H chưa có tiền trả, xin khất nợ, nên Trần Văn H đồng ý. Vì có ý định chiếm đoạt tài sản của chị H, nên ngày hôm sau A và Đ hai lần đến nhà chị H, đồng thời gọi điện thoại đe dọa, yêu cầu chị H phải trả 20 triệu đồng trong vòng 10 ngày, nếu không chúng sẽ bắn chết. Vì sợ những lời đe dọa trên, nên ngày 18/7/2015, chị H đã giao cho A và Đ số tiền 20 triệu đồng. Số tiền này A và Đ không giao cho H mà tiêu xài hết.

Khi xét xử vụ án, Toà án đã nhận định Nguyễn Đình A là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án, Trần Đức Đ là đối tượng tham gia với vai trò giúp sức, cùng Nguyễn Đình A đã có hành vi đe dọa chị H. Rõ ràng nhận định của Toà án như vậy là không đúng, bởi lẽ, trong vụ án này, nếu thấy rằng Đ tham gia ít tích cực hơn so với A, như A thể hiện thái độ hung hãn hơn, là người trực tiếp lấy tiền từ chị H..., thì Toà chỉ có thể nhận định vai trò của Đ trong vụ án có phần hạn chế hơn so với A để áp dụng một mức hình phạt nhẹ hơn, chứ không thể cho rằng Đ tham gia vụ án với vai trò giúp sức. Trong vụ án này, Đ là người cùng với A trực tiếp đe dọa, chiếm đoạt tài sản của chị H nên phải xác định Đ tham gia với vai trò người thực hành, chứ không phải là người giúp sức.

Như vậy có thể thấy trong thực tiễn xét xử, rất nhiều trường hợp vụ án có đồng phạm, Toà án đã xác định sai vai trò đồng phạm, cụ thể xác định người thực hành thành người giúp sức, dẫn đến đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không chính xác.

Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể.

Quy định này cho thấy quan điểm của nhà làm luật là nói chung trong vụ án đồng phạm, đồng phạm giúp sức thường có vai trò hạn chế nhất, do đó, họ có thể được xét xử với mức án thấp hơn nhiều so với các loại người đồng phạm khác. Tuy nhiên, khái niệm đồng phạm giúp sức phải được hiểu theo đúng tinh thần khoa học luật hình sự, chứ không phải theo nhận thức cảm tính như các vụ án đã nêu trên.

  •  4647
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…