DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Bài học của năm 2009 - cẩn trọng với miễn, giảm, giãn thuế

Năm 2009, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kéo theo nền kinh tế trong nước rơi vào suy giảm, nhưng Chính phủ đã “lèo lái con thuyền kinh tế” vượt qua thác ghềnh, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song thực hiện thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (TCNS) vẫn chỉ ra khá nhiều hạn chế, khiếm khuyết trong điều hành của Chính phủ, đặc biệt là chính sách miễn, giảm, giãn thuế - chính sách mà Chính phủ tiếp tục thực hiện trong năm 2011.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2009 đạt 454.786 tỷ đồng, tăng 16,6% so với dự toán (tăng 64.886 tỷ đồng). Trong đó, thu từ nội lực của nền kinh tế (thu nội địa không kể dầu thô và đất đai) là 16.096 tỷ đồng chủ yếu nhờ kinh tế trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến (tốc độ tăng GDP quý IV đạt 6,99% tăng gấp đôi so với quý I là 3,14%).
Một trong những nguyên nhân để đạt được kết quả khả quan kể trên, theo ông Ninh là nhờ Chính phủ thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư bằng giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng (17.000 tỷ đồng) để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh; tăng chi đầu tư phát triển lên mức 181.363 tỷ đồng thay vì 112.800 tỷ đồng như dự toán; và thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2009, Chính phủ đã thực hiện miễn, giảm 40.683 tỷ đồng; giãn 19.199 tỷ đồng các loại thuế, phí. Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế nói chung đã có tác động kích thích sản xuất phát triển, khuyến khích tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chống suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Uỷ ban TCNS, chính sách này đã bộc lộ không ít hạn chế.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS cho rằng, chủ trương giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của quý IV/2008 và cả năm 2009 với số tiền 5.087 tỷ đồng vẫn mang tính chất miễn giảm bình quân và chỉ tác động đến doanh nghiệp có thu nhập, có lãi, còn nhiều doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đáng ra cần được hỗ trợ nhưng lại không được hưởng nên không bảo đảm sự công bằng và giảm tính hiệu quả của chính sách.

Vẫn theo ông Hiển, việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với 19 nhóm hàng hoá, dịch vụ năm 2009 với số tiền giảm 25.507 tỷ đồng nhằm mục tiêu kích thích tiêu dùng qua đó gián tiếp kích cầu đầu tư. Tuy nhiên, việc giảm thuế GTGT đối với một số hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu chỉ giúp doanh nghiệp nhập khẩu giảm được gánh nặng về tài chính qua đó giảm được giá bán cho người tiêu dùng, nhưng lại gây sức ép rất lớn cho sản xuất trong nước vì tạo ra áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Thuế GTGT là thuế gián thu, người tiêu dùng là người chịu thuế, vì vậy trong trường hợp doanh nghiệp không giảm giá bán thì người tiêu dùng không được hưởng lợi từ chính sách này trong khi ngân sách lại giảm thu, mục tiêu kích cầu bị giảm hiệu quả.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ôtô du lịch dưới 10 chỗ ngồi (3.366 tỷ đồng), theo ông Hiển, ngoài tác dụng kích thích tiêu dùng để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp ôtô trong nước phát triển nhưng ở khía cạnh khác, chính sách này vô hình chung đã hỗ trợ một cách gián tiếp cho một nhóm người có thu nhập cao, đồng thời khuyến khích làm tăng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này.

“Qua việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, lệ phí năm 2009 cho thấy, để khuyến khích tiêu dùng và tạo thuận lợi trong quá trình quản lý thuế thì việc miễn, giảm, giãn thuế cần phải được cân nhắc, tính toán, cẩn trọng, xác định rõ trọng tâm cần khuyến khích, không cào bằng và chỉ nên áp dụng đối với khoản thuế trực thu”, ông Hiển kiến nghị.

Ông Hiển cũng cho biết, nhiều ý kiến trong Uỷ ban TCNS cho rằng, chống suy giảm kinh tế nên thực hiện các giải pháp phi thuế quan như chính sách tín dụng, hỗ trợ lãi suất (HTLS)… để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh. Chính sách này không ảnh hưởng tới số thu ngân sách, dễ quản lý, kiểm soát và giám sát hơn so với việc miễn, giảm, giãn thuế.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31.12.2009, dư nợ cho vay HTLS đạt 385.681 tỷ đồng, số tiền ngân sách phải hỗ trợ là 11.178 tỷ đồng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế HTLS là giải pháp kích thích kinh tế quan trọng (trên thế giới chỉ duy nhất có Việt Nam triển khai) của Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất giảm chi phí vốn vay, giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và ổn định sản xuất - kinh doanh, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Đánh giá về chính sách này, Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009 (sẽ được trình ra Quốc hội Khoá XIII tại Kỳ họp thứ nhất vào tháng 7 tới đây) cho rằng, chính sách này mới tác động trên phạm vi hẹp, chưa thực sự bình đẳng giữa các đối tượng được hỗ trợ theo dự kiến, còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban TCNS, ông Đinh Văn Nhã cho biết, quan kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số ngân hàng còn cho cả doanh nghiệp thừa vốn vay vốn HTLS (có vốn gửi ngân hàng để hưởng lãi suất cao nhưng vẫn vay vốn HTLS). Ngoài tình trạng doanh nghiệp sử dụng vốn vay sai mục đích, ngân hàng cho vay trùng lắp đối tượng… còn xuất hiện tình trạng nhiều trường hợp lợi dụng chính sách này để trục lợi bằng việc vay vốn HTLS rồi gửi lại ngân hàng hoặc vay vốn HTLS về… cho vay lại để hưởng chênh lệch lãi suất. Trong khi đó, đối tượng chính thụ hưởng chính sách này là doanh nghiệp nhỏ và vừa lại tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất hết sức khó khăn.
Theo Mạnh Bôn
Báo Đầu Tư
  •  4538
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…