DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Án treo là gì? Điều kiện để được hưởng án treo?

Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

- Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Theo đó, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

* Điều kiện để hưởng án treo

Một người được hưởng án treo nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

Hình phạt

- Người bị kết án có thể được hưởng án treo nếu người đó bị xử phạt tù không quá 03 năm, không phân biệt tội phạm mà họ thực hiện là tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

- Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy những người được tòa án cho hưởng án treo chủ yếu là người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội do vô ý, số còn lại là phạm tội nghiêm trọng, hầu như không có trường hợp nào người phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lại được hưởng án treo. Về mặt lý thuyết vẫn có thể có trường hợp người phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được hưởng án treo nếu hình phạt mà tòa án tuyên đối với họ không quá ba năm tù. Hình phạt ba năm tù là giới hạn tối đã cho người bị kết án hưởng án treo, còn giới hạn tối thiểu là không dưới ba tháng.

- Người bị phạt tù chỉ được hưởng án treo nếu chưa chấp hành hình phạt.

Nhân thân người phạm tội

Người được hưởng án treo phải là người có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú, làm việc. Họ chưa có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn; sau khi phạm tội đã ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, khắc phục hậu quả, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, Tích cực giúp đỡ các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, phát hiện tội phạm….Tòa án cần xem xét toàn diện về nhân thân của họ, kết hợp với thái độ sau khi phạm tội để xác định họ phải chấp hành hình phạt tù hay không.

Tình tiết giảm nhẹ

Các tình tiết giảm nhẹ đối với người bị kết án là một căn cứ quan trọng để Tòa án cân nhắc cho người bị kết án hưởng án treo hay không.

- Người bị kết án phải có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

- Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

Có nơi cư trú rõ ràng

Người bị kết án phải có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

- Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

- Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy người bị kết án nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên thì được xem xét cho hưởng án treo.

  •  5758
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…