DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

06 lưu ý của dân Luật khi kết hôn để tránh bị thiệt thòi

Trải qua những ngày tháng cách ly xã hội vì dịch Covid-19 thì hiện nay, người người nhà nhà đều dắt tay nhau đi đăng ký kết hôn. Vì thế để bằng bạn bằng bè, đã là dân Luật chúng ta cần biết những quy định đáng lưu ý trong hôn nhân để tránh bị thiệt thòi khi kết hôn.

Cụ thể, bài viết sẽ cung cấp một số thông tin đáng lưu ý dành cho các bạn đang quan tâm, đặc biệt là những bạn đang và sẽ chuẩn bị kết hôn để chuẩn bị cho mình một cuộc hôn nhân không chỉ hạnh phúc mà quyền và lợi ích còn phải được đảm bảo.

1. Độ tuổi kết hôn

Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện như sau:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

- Nam, nữ tự nguyện quyết định kết hôn.

- Đáp ứng “3 không”: Không cùng giới tính, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không thuộc trường hợp cấm kết hôn thì được phép kết hôn.

Hành vi kết hôn với người chưa đủ tuổi (tảo hôn) hay tổ chức tảo hôn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, cụ thể:

- Phạt tiền từ 01-03 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 03-05 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

2. Phải tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn

Căn cứ theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc đăng ký kết hôn là thủ tục do pháp luật quy định nhằm công nhận việc xác lập quan hệ hôn nhân giữa hai bên nam, nữ khi kết hôn.

Việc kết hôn phải được đăng ký theo nghi thức Nhà nước tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật hôn nhân và gia đình và pháp luật về hộ tịch. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý.

Theo đó, Pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi cưới và cũng như không quy định sau khi cưới bao lâu phải làm thủ tục đăng ký kết hôn. Do đó, nếu sau khi cưới mà không làm thủ tục đăng ký kết hôn cũng không phải là hành vi vi phạm pháp luật và cũng không bị xử phạt.

Tuy nhiên, nam nữ kết hôn không đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ vợ chồng và cũng sẽ kéo theo nhiều hệ quả không đáng có. Do đó, đăng ký kết hôn là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân. Nếu vợ chồng không đi đăng ký kết hôn thì hôn nhân đó không được pháp luật công nhận và do đó, nếu có phát sinh tranh chấp hoặc các vấn đề về hôn nhân gia đình, quyền lợi giữa vợ chồng sẽ không được đảm bảo.

Theo đó, căn cứ khoản 1 Điều 17 Luật Hộ tịch 2014, nam, nữ muốn đăng ký kết hôn thì sẽ phải thực hiện tại:

- Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ là công dân Việt Nam đăng ký kết hôn tại Việt Nam.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu là:

Công dân Việt Nam với người nước ngoài; Công dân Việt Nam cư trú ở trong nước với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài; Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài với nhau; Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài với công dân Việt Nam hoặc với người nước ngoài.

3. Tài sản chung của vợ chồng

Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm:

- Tài sản do vợ, chồng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân;

- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân gồm: Tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, tài sản xác lập quyền sở hữu với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước…

- Tài sản vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung;

- Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn.

- Tài sản không có căn cứ chứng minh là tài sản riêng.

Đây là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

4. Tài sản riêng của vợ hoặc chồng

Căn cứ tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định tài sản riêng vợ, chồng gồm:

- Tài sản vợ, chồng có trước khi kết hôn.

- Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

- Tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng…

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

Do đó, nếu vợ, chồng có thể thỏa thuận những tài sản nào trong thời kỳ hôn nhà là tài sản riêng thì tài sản đó sẽ là tài sản riêng của vợ hoặc chồng theo thỏa thuận này.

5. Chửi mắng vợ/chồng bị phạt đến 1 triệu đồng

Hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm vợ, chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 05-10 triệu đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Tương tự, hành vi đuổi vợ, chồng ra khỏi nhà cũng có thể bị phạt tiền từ 05-10 triệu đồng; Thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc vợ, chồng ra khỏi nhà bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

6. Vợ/chồng ngoại tình có thể bị phạt tù đến 03 năm

Xử phạt hành chính

Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định vợ, chồng có thể bị xử phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng với một trong các hành vi ngoại tình sau đây:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Chịu trách nhiệm hình sự

Người nào đang có vợ/có chồng mà chung sống như vợ/chồng với người khác hoặc chưa có vợ/chồng mà chung sống như vợ/chồng với người mình biết rõ là đang có chồng/vợ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng nếu:

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Theo đó, mức phạt tù sẽ là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài ra, còn có thể bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Trên đây là một số điều đáng lưu ý cho những cặp đôi đang và sẽ chuẩn bị kết hôn giúp có một cuộc hôn nhân thật hành phúc nhưng quyền và lợi ích của các bên vẫn được đảm bảo theo pháp luật.

  •  614
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

1 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…