DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

06 điều cần biết khi khai sinh cho trẻ em

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em. Dưới đây là những điều cần biết khi thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em.

1. Ai được đăng ký khai sinh trẻ em mới sinh ra?

+ Cha, mẹ

+ Ông, bà

+ Người thân thích khác: người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời

+ Cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em

- Chú ý: Trường hợp cha mẹ không thực hiện khai sinh cho con mà ủy quyền cho người khác thì cần phải:

+ Trường hợp ủy quyền ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người được ủy quyền thì văn bản ủy quyền không cần công chứng, chứng thực nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.

+ Ủy quyền không thuộc các đối tượng nêu trên thì văn bản ủy quyền phải có công chứng, chứng thực theo đúng quy định của pháp luật.

(Căn cứ khoản 1, Điều 15, Luật Hộ tịch 2014; Khoản 19, Điều 3, Luật Hôn nhân Gia đình 2014; Khoản 2, Điều 2, Thông tư 15/2015/TT-BTP)

2. Đăng ký khai sinh ở đâu?

Căn cứ vào từng trường hợp, việc đăng ký khai sinh được thực hiện ở một trong các cơ quan nhà nước sau đây:

- UBND cấp xã

- Xác định được cha, mẹ: UBND cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ;

- Vào thời điểm khai sinh chưa xác định được cha, mẹ: UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú;

- Trẻ bị bỏ rơi: UBND cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi.

UBND cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ thực hiện việc khai sinh trong một số trường hợp sau đây:

- Trường hợp trẻ được sinh ra tại Việt Nam:

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

+ Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;

- Trường hợp trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:

+ Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;

+ Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.

(Điều 13, Điều 35 Luật hộ tịch 2014; Điều 14, Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)

3. Cần chuẩn bị gì khi nộp hồ sơ đăng ký khai sinh?

- Hồ sơ phải xuất trình

+ Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng.

+ Nếu là cha, mẹ đã đăng ký kết hôn thì phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn.

+ Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh.

+ Trường hợp trẻ em sinh ra ở nước ngoài về cư trú tại Việt Nam thì xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em nhập cảnh (hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam (văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền).

- Hồ sơ phải nộp bao gồm:

+ Tờ khai theo mẫu quy định: Mẫu tờ khai sinh được quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP, thường mẫu này thì có sẵn tại nơi đăng ký khai sinh. Bạn có thể xem mẫu theo file đính kèm.

+ Bản chính Giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Nếu không có thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh

+ Nếu người nộp là người được ủy quyền thì phải có văn bản ủy quyền

+ Trường hợp trẻ em sinh ra tại nước ngoài thì nộp Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ - con (nếu có);

+ Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con.

+ Khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập.

+ Khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.

(Căn cứ Luật hộ tịch 2014; Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, Thông tư số 15/2015/TT-BTP)

4. Thủ tục đăng ký khai sinh

- Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ đã chuẩn bị cho UBND cấp xã hoặc cấp huyện.

- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

- Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.

5. Lệ phí khai sinh

- Tại UBND cấp xã: Không quá 8.000 đồng.

- Tại UBND cấp huyện: Không quá 75.000 đồng.

(Căn cứ Thông tư 179/2015/TT-BTC)

6. Đăng ký khai sinh cho con mà cha mẹ không có quan hệ hôn nhân

- Chưa xác định được cha: họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

- Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu đăng ký nhận con có nộp tờ khai theo mẫu quy định, chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch và khi đăng ký nhận cha, mẹ, con, các bên có mặt thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con, đăng ký khai sinh.

- Chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh, cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo như trường hợp vào thời điểm đăng ký khai sinh, người cha yêu cầu đăng ký nhận con ở trên; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.

- Đăng ký Khai sinh cho trẻ đang được một cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng mà chưa xác định được cha và mẹ: hết thời hạn niêm yết (07 ngày liên tục), nếu vẫn không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ thì UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em.

- Họ, chữ đệm, tên của trẻ bị bỏ rơi được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống.

(Khoản 1, 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; Điều 14, Điều 15 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP)

  •  1538
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…