DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

TỪ NGÀY 01/01/2015, DỊCH VỤ "ĐẺ THUÊ" SẼ BỊ CẤM, CHỈ CÒN "ĐẺ HỘ" VÌ MỤC ĐICH NHÂN ĐẠO THÌ MỚI ĐƯỢC PHÁP LUẬT CHO PHÉP...


MỚI ĐÂY CÓ THÔNG TIN "HOT" - Các bạn & Luật sư đồng nghiệp có quan điểm như thế nào về Luật Hôn nhân & Gia đình sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, theo đó từ 01/01/2015 việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo MỚI ĐƯỢC pháp luật cho phép thực hiện?

=> Tại: Điều 94, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.”

Như vậy, kể từ thời điểm luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực pháp luật, hành vi mang thai hộ chính thức được pháp luật thừa nhận.

Việc mang "thai hộ" và dịch vụ "đẻ thuê" thực tiễn đã diễn ra từ rất lâu, chưa có sự quản lý của Nhà nước, hay nói cách khác là thiếu luật điều chỉnh. Đây là quan hệ pháp luật mới phát sinh cần có sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật để đảm bảo quản lý, ổn định trật tự xã hội. Nếu không có sự can thiệp của pháp luật sẽ dẫn đến những tranh chấp, hoặc lợi dụng việc mang thai hộ để lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động, tranh chấp quyền nuôi con, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản… phát sinh những chuyện dở cười, dở khóc, hệ lụy không nhỏ cho xã hội vì vậy việc đưa vấn đề này vào luật hôn nhân để quản lý là việc cần thiết. Nội dung các quy định này và quy định về hợp đồng tiền hôn nhân là các quy định mới đáng lưu ý của luật hôn nhân năm 2014.

Về nguyên tắc quản lý thì Nhà nước có thể ban hành quy định pháp luật để cho phép, hạn chế hoặc cấm đoán. Trước thực trạng đẻ hộ, đẻ thuê tràn lan gây hệ lụy không ít tới xã hội thì Luật hôn nhân năm 2014 đã đưa vấn đề này vào khuôn khổ, cho phép và có các quy định cụ thể để quản lý việc mang thai hộ, đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa của quan hệ pháp luật này.

Trước đây chưa có quy định pháp luật thì việc mang thai hộ, đẻ thuê tràn lan và là một quan hệ pháp luật dân sự đơn thuần giống như một cuộc “mua bán, trao đổi” và dễ phát sinh tranh chấp, dễ bị lạm dụng. Vì vậy, quan hệ pháp luật này được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình chứ không đặt vào Bộ luật dân sự. Mục đích của việc mang thai hộ là sự “giúp đỡ” nhau trong việc sinh con làm phong phú hơn trong quan hệ hôn nhân gia đình chứ không phải là một hình thức kinh doanh, hay giao dịch dân sự về tài sản.

Thực tế, hiện nay các trường hợp vô sinh, hiếm muộn sảy ra tương đối nhiều ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của xã hội. Mặc dù khoa học, kỹ thuật hiện nay về hỗ trợ sinh sản khá phát triển nhưng vẫn không giải quyết hết được những vấn đề về về sinh sản đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Vì vậy, việc quy định về mang thai hộ về mục đích nhân đạo, hỗ trợ sinh sản là cần thiết và hợp lý.

- Xin lưu ý rằng: Luật hôn nhân gia đình cho phép việc mang thai hộ nhưng phải vì mục đích nhân đạo (hỗ trợ sinh sản trong quan hệ hôn nhân và gia đình) chứ không cho phép xem đây là một loại hình kinh doanh, kiếm lời như theo các quy định của luật thương mại hay luật dân sự.

Để quản lý chặt chẽ việc mang thai hộ nhằm mục đích nhân đạo, Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện mang thai hộ như sau:

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản ( văn bản phải có công chứng nhà nước và nội dung phải đầy đủ theo quy định của luật này).

- Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
+ Vợ chồng đang không có con chung;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Ngoài ra, điều luật này cũng quy định Chính Phủ sẽ có nghị định để hướng dẫn chi tiết vấn đề này.
Điều 96 -97 -98 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng đã quy định cụ thể về thủ tục và quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như: Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…

Nếu có mặt tại các khoa khám hiếm muộn, vô sinh, tận mắt chứng kiến hàng nghìn người ngày đêm chạy chữa để mong có được mụn con thì việc cho phép mang thai hộ lại là qui định rất nhân văn, cứu vãn hạnh phúc cho không ít gia đình.

Thực trạng ở Việt Nam hiện nay có tỷ lệ vô sinh trong cả nước khá cao, 7,7% (tương đương khoảng 700.000 - 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trong cả nước). Theo Báo cáo của Bộ Y tế về sinh con theo phương pháp khoa học thì hiện nay, nhu cầu mang thai hộ là có thật và khá phổ biến, nhưng do pháp luật cấm nên ngày càng có nhiều cặp vợ chồng phải ra nước ngoài để thực hiện trái phép việc mang thai hộ. Do vậy, quy định này là rất cần thiết, luật hôn nhân gia đình 2014 cũng đã quy định rất chặt chẽ về vấn đề này tránh sự lạm dụng quy định của pháp luật vào mục đích đẻ thuê kiếm lợi hay lạm dụng tình dục, lợi dụng việc đẻ thuê để cưỡng đoạt tài sản...

Việc quy định cho phép mang thai hộ nếu được chấp thuận tại Việt Nam cũng phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người, rằng con người có quyền mưu cầu hạnh phúc. Hiến Pháp Việt Nam ghi nhận công dân có quyền được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn,… Vậy xét về bản chất, quyền mang thai hộ, nhờ mang thai hộ cũng là một quyền công dân, cần được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, cũng cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để người dân dễ hiểu và dễ dàng thực hiện. Đồng thời phải kiểm tra theo dõi việc áp dụng trên thực tiễn để có những đánh giá, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

 

 

  •  19997
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…