DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trong năm 2015, sẽ có quy trình ban hành án lệ

>>> Tổng hợp điểm mới Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014

Luật tổ chức Tòa án nhân dân 2014 được thông qua vào cuối năm 2014 và đưa vào thực tiễn áp dụng từ ngày 01/6/2015. Luật này thừa nhận vai trò của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cáo trong việc tổng kết phát triển án lệ và công bố án lệ để Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử

Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử;

Để đảm bảo giá trị pháp lý thực thi, Viện khoa học xét xử đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao về quy trình ban hành án lệ.

Giới thiệu khái quát về án lệ

Án lệ là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ việc cụ thể, có tính chuẩn mực, có chứa đựng sự giải thích, lập luận, làm rõ những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau, hoặc có nội dung đánh giá những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật,  chỉ ra việc áp dụng thống nhất pháp luật và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể đó, được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn, ban hành kèm theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Để được chọn làm án lệ, bản án, quyết định phải đáp ứng 4 điều kiện sau:

- Là quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp cao, Toà án quân sự trung ương hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án về một vụ việc cụ thể.

- Có tính chuẩn mực, điển hình và được thừa nhận rộng rãi.

- Chứa đựng sự giải thích, lập luận làm rõ một hoặc một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau hoặc có nội dung đánh giá những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

- Chỉ ra việc áp dụng thống nhất pháp luật và đường lối xử lý đối với vụ việc cụ thể.

Việc ban hành án lệ được thực hiện theo quy trình sau:

Bước 1: Tuyển chọn án lệ

- Ngay sau khi nhận được các quyết định giám đốc thẩm, các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, Vụ pháp luật Toà án nhân dân tối cao tiến hành đăng tải các bản án, quyết định này trên Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến trong thời hạn 03 tháng.

Trường hợp cần thiết có thể tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

-  Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày hết thời hạn công bố lấy ý kiến, Vụ pháp luật Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với các vụ chức năng của Toà án nhân dân tối cao tập hợp các ý kiến góp ý; tổ chức nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn các quyết định giám đốc thẩm, các bản án, quyết định có thể làm án lệ trình Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định án lệ hoặc giao cho Hội đồng khoa học của Toà án nhân dân tối cao với thành phần mở rộng gồm một số chuyên gia đầu ngành về pháp luật thực hiện việc thẩm định án lệ (sau đây gọi chung là Hội đồng thẩm định án lệ).

Bước 2: Thẩm định án lệ

Hồ sơ đề nghị thẩm định án lệ gồm có: Văn bản đề nghị thẩm định; Báo cáo kết quả nghiên cứu về các bản án, quyết định được đề nghị công bố làm án lệ; các bản án, quyết định được đề nghị công bố làm án lệ.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, Hội đồng thẩm định án lệ phải tổ chức phiên họp thẩm định để thảo luận, cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề nghị công bố làm án lệ.

Sau khi có kết quả thẩm định, Hội đồng thẩm định báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao (kèm theo hồ sơ đề nghị thẩm định và Báo cáo kết quả thẩm định) để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua án lệ.

Bước 3: Thông qua án lệ

 Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao họp để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.

Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hồi đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.

Việc thông qua án lệ được thực hiện bằng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Bước 4: Công bố án lệ

Các bản án, quyết định được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua, trở thành án lệ được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc hàng năm và công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao.

Hướng dẫn áp dụng án lệ trong xét xử

Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết giống nhau phải được xử lý như nhau.

Tên của án lệ, tính chất, tình tiết vụ việc tương tự được nêu trong án lệ và tính chất, tình tiết vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của Toà án.

Các nội dung của án lệ về giải thích, lập luận làm rõ quy định của pháp luật; đánh giá những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật; đường lối xử lý được nêu trong án lệ phải được viện dẫn, phân tích trong bản án, quyết định của Toà án.

Trường hợp xét thấy các nội dung của án lệ trên không phù hợp với pháp luật, không bảo đảm công bằng, công lý thì Thẩm phán, Hội thẩm có thể không áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc tương tự cụ thể nhưng phải phân tích, lập luận rõ lý do trong bản án, quyết định của Toà án.

Xem chi tiết dự thảo Nghị quyết về quy trình ban hành án lệ.

  •  8003
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…