DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Trao đổi về bài “Biết sai nhưng không thể sửa…”: Tòa sơ thẩm đã xử đúng!

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 18-12 có bài viết “Biết sai nhưng không thể sửa vì giới hạn xét xử”, phản ánh chuyện Cao Văn Dưỡng rủ bạn đi tìm người có tài sản để cướp.

Tới quận 9 (TP.HCM), cả hai phát hiện một đôi nam nữ ngồi trên xe máy trò chuyện nên gí dao vào cổ khống chế để lấy xe. Nạn nhân kháng cự thì bị Dưỡng và bạn dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực và đùi trái (gây tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 39%) rồi lấy xe tẩu thoát.

Ngày 12-9-2011, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã phạt Dưỡng 17 năm tù, đồng phạm của Dưỡng 15 năm tù về tội cướp tài sản. Dưỡng kháng cáo xin giảm án. Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm đã nhận định cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo về một tội cướp tài sản là chưa chính xác, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, các bị cáo còn dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào thân thể nạn nhân gây thương tật 39%. Hành vi này đủ để cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc giết người. Dù vậy, tòa phúc thẩm vẫn phải y án sơ thẩm vì không thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm, chỉ có thể lưu ý cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm...

Theo tôi, nhận định của tòa phúc thẩm rất đúng về tố tụng (giới hạn của việc xét xử) nhưng có đúng về nội dung (bị cáo có phạm tội giết người hoặc cố ý gây thương tích hay không) thì còn phải bàn.

Nếu nội dung vụ án đúng như báo nêu thì ngay từ đầu các bị cáo không bàn bạc giết người rồi mới chiếm đoạt tài sản mà chỉ bàn bạc đi tìm người có tài sản để cướp, khi phát hiện một đôi nam nữ ngồi trên xe máy trò chuyện nên đi tới gí dao vào cổ khống chế để lấy xe. Như vậy, các bị cáo đã thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc (nếu nạn nhân không chịu giao nộp tài sản thì sẽ dùng vũ lực). Diễn biến sự việc xảy ra đúng như vậy, khi nạn nhân kháng cự thì Dưỡng và bạn mới dùng dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực và đùi trái nạn nhân. Trường hợp này, về lý luận cũng như thực tiễn xét xử từ trước đến nay đều khẳng định: Nếu nạn nhân bị chết thì hành vi của các bị cáo mới là hành vi phạm tội giết người và cướp tài sản, còn nạn nhân chỉ bị thương thì dù thương tích là bao nhiêu % đi nữa, hành vi của các bị cáo chỉ cấu thành tội cướp tài sản mà thôi.

Về lý luận, tội cướp tài sản là tội cùng một lúc xâm phạm hai khách thể (quyền sở hữu và tính mạng, sức khỏe). Tính chất nguy hiểm của tội phạm này cao hơn các tội xâm phạm quyền sở hữu khác nên nhà làm luật cũng quy định mức hình phạt cao hơn. Hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc gây ra thương tích cho nạn nhân chính là hành vi khách quan của cấu thành tội cướp tài sản nên không còn là hành vi cấu thành tội cố ý gây thương tích nữa. Chính vì thế mà nhà làm luật mới quy định: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị xét xử theo khoản 2 của điều luật, nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị xét xử theo khoản 3 của điều luật.

Nếu lập luận như tòa phúc thẩm thì trong cấu thành tội cướp tài sản, nhà làm luật không cần phải quy định dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc làm gì và cũng chẳng cần quy định tỉ lệ thương tật của nạn nhân làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 của điều luật nữa.

Tòa phúc thẩm lưu ý tòa sơ thẩm cần rút kinh nghiệm nhưng theo tôi, tòa phúc thẩm mới là người cần phải rút kinh nghiệm, vì nếu đã khẳng định tòa sơ thẩm bỏ lọt tội phạm thì phải làm báo cáo bằng văn bản, đồng thời gửi hồ sơ vụ án về TAND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Đây không phải là quyền mà là nghĩa vụ của tòa phúc thẩm theo quy định tại Điều 274 BLTTHS.

Xem thêm các tin tức khác
  •  5045
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…