DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

"Trả nợ sai chủ nợ" giải quyết như thế nào?

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Vậy sẽ giải quyết như thế nào khi bên vay hoàn trả lại tài sản nhưng người nhận không phải bên cho vay?

Bản án số 170/2017/DSST ngày 11/07/2017 về tranh chấp đòi lại tài sản là một ví dụ điển hình cụ thể:

"Năm 1993, bà N cho bà M và ông T mượn 3,5 lượng vàng loại 24 kara, có làm biên nhận giao vàng. Sau đó, bà N bị bắt giam do vi phạm pháp luật hình sự và bị xử phạt 10 năm tù. Sau khi ra tù năm 2000, bà N yêu cầu bà M và ông T trả 3,5 lượng vàng nhưng bà M và ông T nói đã trả cho bà S (mẹ kế bà N) 1,5 lượng vàng và ông N (ba của bà N) 2 lượng vàng nên không đồng ý trả nợ.

Bà S thừa nhận có chủ động đến nhà bà M để lấy 1,5 lượng vàng để lo cho bà N trong thời gian ở tù. Còn 2 lượng vàng trả cho ông N thì bà S chỉ nghe nói lại chứ không chứng kiến tận mắt số vàng. Ông N đã mất năm 2008 nên không thể đối chất. Tại Tòa, bà N yêu cầu bà M trả tiền số tiền tương đương giá vàng yêu cầu tính theo giá thị trường tại thời điểm xét xử; số vàng là 3,5 lượng vàng 24 kara, rút lại yêu cầu đòi ông T phải liên đới trả nợ vì bà N là người cho mượn tiền nên bà M phải trả tiền nợ cho bà chứ không phải trả cho bà S hay ông N"

Việc Bà N khởi kiện đòi lại 3,5 lượng vàng; bà M thừa nhận có mượn nhưng đã trả cho người khác là bà S 1,5 lượng, ông N 02 lượng (không thể chứng minh) là trả không đúng đối tượng giao dịch và cũng không được sự đồng ý của bà N, nên nay bà N khởi kiện bà M là có căn cứ. 

Do vụ án thụ lý ngày 13/12/2016 trước ngày 01/01/2017 ngày Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực nên áp dụng Điều 256 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 23 Nghị Quyết 03/2012/NQ-HĐTP làm căn cứ để xét xử. Việc bà S chủ động đến lấy 1,5 lượng vàng, bà M có thế khởi kiện tại một vụ án khác.

Sau đó, Tòa án nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị N. Buộc bà Lương Thị M trả cho bà Trần Thị N số tiền 119.105.000 đồng (Một trăm mười chín triệu, một trăm lẻ năm nghìn đồng) tương đương 3,5 lượng vàng 24kara.

Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay, nghĩa vụ trả nợ của bên vay và quyền đòi lại tài sản như sau:

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.

  •  7787
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…