DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Tòa phải xem xét chứng cứ luật sư thu thập

Trong thực tiễn xét xử, các tài liệu, đồ vật do luật sư thu thập, nhất là trường hợp nhằm gỡ tội cho bị cáo thường bị các cơ quan tố tụng làm lơ, không xem xét nghiêm túc.

Theo nhiều chuyên gia, có thực tế này bởi pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về tầm quan trọng của chứng cứ do luật sư tự thu thập…

Đầu năm 2011, trong phiên xử sơ thẩm một nghi án giết người ở TAND huyện Bến Cát (Bình Dương) đã xảy ra một tình tiết làm nhiều người bất ngờ.

Xem nhẹ những gì luật sư thu thập

Tại tòa, luật sư của phía nạn nhân (đã chết) đưa ra nhiều tài liệu mà ông thu thập được chứng minh rằng bị cáo đã sử dụng bằng lái xe máy giả để nộp cho công an sau khi xảy ra án mạng. Bằng chứng luật sư đưa ra là những giấy tờ liên quan ông trích lục được tại Sở GTVT tỉnh cùng biên bản xác nhận của người có thẩm quyền khẳng định chưa từng cấp bằng lái xe cho bị cáo. Từ đó, luật sư đề nghị tòa khởi tố bị cáo thêm hành vi mua, sử dụng giấy phép lái xe giả.

Khi đại diện VKS và tòa thẩm vấn, bị cáo thừa nhận rằng bằng lái đã nộp cho cơ quan điều tra là giả mạo. Dù vậy khi tuyên án, TAND huyện đã không chấp nhận đề nghị của vị luật sư vì “không có cơ sở xem xét”.

Một luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kể năm 2011 ông tham gia bào chữa cho một bị cáo phạm tội giết người, bị TAND một tỉnh xử sơ thẩm phạt án tù chung thân. Trước khi xử phúc thẩm, do nghi ngờ về độ tuổi của bị cáo, ông đã nhiều lần cất công về quê của bị cáo tìm hiểu và thu thập giấy tờ gốc liên quan.

Kết quả cho thấy việc cơ quan điều tra kết luận bị cáo trên 18 tuổi là chưa chính xác. Lời khai của bị cáo và những người liên quan thì mâu thuẫn. Tại phiên phúc thẩm, luật sư trình bày tất cả những chứng cứ này một cách thuyết phục và yêu cầu hủy án để điều tra, xét xử lại cho khách quan. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận mà chỉ hoãn xử (theo luật sư là để yêu cầu xác minh nội bộ). Sau đó, khi mở lại phiên xử, tòa đã không chấp nhận yêu cầu của luật sư vì cho rằng “không có căn cứ”.

Pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về tầm quan trọng của chứng cứ do luật sư tự thu thập. Ảnh minh họa: HTD

Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cũng cho biết nhiều vụ khi luật sư xuất trình chứng cứ tại phiên tòa thì chủ tọa bực bội thắc mắc: “Sao ngay từ khi điều tra, luật sư không nêu vấn đề này ra đi?”. Điều đó cho thấy thực tế một số cán bộ tố tụng vẫn có tâm lý “ngán ngại” thay vì hoan nghênh các chứng cứ mới có thể “đả phá” hồ sơ buộc tội và xác định lại bản chất của vụ án.

Hạn chế do đâu?

Khoản 2 Điều 65 BLTTHS quy định những người tham gia tố tụng (trong đó có luật sư), cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Khoản 2 Điều 58 cụ thể hóa quyền của luật sư là được thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Tuy nhiên, thực tế chỉ có những chứng cứ về các tình tiết giảm nhẹ có xác nhận đầy đủ thì tòa mới chấp nhận. Còn những chứng cứ liên quan đến việc định tội hoặc định khung hình phạt, hầu như các tòa ít để ý. Nhiều luật sư mất công sức tìm kiếm chứng cứ mới để đưa ra tòa rồi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Nhiều ý kiến cho rằng có thực tế này là bởi Điều 64 BLTTHS quy định chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục mà cơ quan tố tụng dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội... Do đó, các tài liệu, đồ vật do luật sư tự thu thập không được xem xét nghiêm túc.

Theo luật sư Trương Xuân Tám, nếu luật cho luật sư quyền tìm, cung cấp chứng cứ thì tòa phải có nghĩa vụ tiếp nhận, xem xét. Đặc biệt, luật sư phải có quyền xuất trình chứng cứ ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, thậm chí cả ở giai đoạn thi hành án.

Luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng luật hiện nay có lỗ hổng là chưa quy định cụ thể về tầm quan trọng của chứng cứ do luật sư thu thập. Các cơ quan tố tụng lại không linh hoạt, hầu như chỉ tin vào hồ sơ của cơ quan điều tra, nếu thấy bất ổn thì trả hồ sơ điều tra bổ sung chứ ít khi ra quyết định ngay. Các thẩm phán thường có tâm lý nghi ngờ với chứng cứ và mục đích đi tìm chứng cứ của luật sư dù có khi nó rất đáng tin cậy. Vì vậy, BLTTHS cần cụ thể hóa quy định về trách nhiệm xem xét chứng cứ do luật sư thu thập của cơ quan tố tụng.

Phải thay đổi quan niệm

Theo đề án Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam (VKSND Tối cao vừa trình bày tại phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2011-2016), phải thay đổi quan niệm về chứng cứ và quyền được thu thập chứng cứ của bị can, bị cáo và người bào chữa. Không nên chỉ giới hạn quyền đưa ra chứng cứ của họ ở việc đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu như pháp luật hiện hành mà phải mở rộng hơn. Nếu có khó khăn trong việc thu thập thì tòa, VKS phải hỗ trợ họ bằng cách ra lệnh triệu tập nhân chứng hoặc yêu cầu các cơ quan tổ chức khác cung cấp chứng cứ... Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng cho rằng cần có cơ chế để luật sư có điều kiện thu thập chứng cứ gỡ tội cho thân chủ và chứng cứ đó phải được công nhận tại tòa.

Rộng “cửa” hơn cho luật sư

Luật sư là những người có trình độ, kiến thức pháp luật chuyên sâu, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động bào chữa và là người được đào tạo về kỹ năng hành nghề. Thực tế chứng minh nhiều luật sư đã góp phần quan trọng giúp cơ quan điều tra thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện, đầy đủ. Chính họ là người đấu tranh cho bị can, bị cáo tìm lại công bằng, hạn chế tình trạng oan, sai và vi phạm tố tụng. Vì vậy theo tôi cần phải có cơ chế mở rộng hơn cho họ thu thập chứng cứ liên quan đến vụ án, ngược lại tòa cũng phải nghiêm túc chấp nhận bằng tinh thần cầu thị. Đó là xu hướng tiến bộ của cải cách tư pháp mà chúng ta đang hướng tới.

Một giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội

Cũng có khi thẩm phán nhờ luật sư

Năm 2000, tôi bảo vệ quyền lợi cho một cô gái là nạn nhân trong một vụ mua dâm người chưa thành niên tại TAND TP.HCM. Tại phiên sơ thẩm, do nghi ngờ về độ tuổi của nạn nhân chưa chính xác, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã cho hoãn xử để xác minh thêm. Sau đó, vị thẩm phán đã nhờ tôi về quê của nạn nhân ở Đồng Nai để xác minh, đối chiếu kết quả với các nguồn chứng cứ khác. Sau nhiều lần lên xuống xác minh thì kết quả thu được khẳng định cô gái đã trên 16 tuổi chứ không phải chưa đủ 16 tuổi như kết luận ban đầu của cơ quan điều tra. Nhờ vậy, khi mở lại phiên tòa, HĐXX chỉ phạt bị cáo ba năm tù treo.

Tuy nhiên, trường hợp này rất hi hữu trong thực tiễn xét xử, hơn nữa còn do lúc đó tôi là luật sư bảo vệ nạn nhân chứ không phải luật sư bào chữa cho bị cáo nên được tin tưởng. Nhiều cán bộ tố tụng vẫn có tâm lý xem nhẹ, nghi ngờ những gì mà luật sư, đặc biệt là luật sư bào chữa cung cấp.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM


XEM THÊM CÁC TIN KHÁC

  •  5680
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…